Năm 32 tuổi, mình bắt đầu có những trải nghiệm đầu tiên trên thị trường chứng khoán…
Thực ra trước đây mình có biết về chứng khoán nhưng lúc đó chưa có niềm đam mê với lĩnh vực tài chính. Công việc chính của mình là trong lĩnh vực quản lý giáo dục. Hơn thế nữa nguồn lực tài chính chưa vững vàng và thiếu kiến thức nên không dám mạo hiểm. Cho đến khi 32 tuổi, có thời gian rảnh rỗi hơn, mình mới bắt đầu tìm hiểu về đầu tư một cách nghiêm túc. Hơn thế nữa, ở độ tuổi này rồi, cũng tích luỹ kha khá nên mới tham gia vào cái thị trường mình từng nghĩ là mạo hiểm lúc trước.
Mình bắt đầu đầu tư từ tháng 3 năm 2021, là 1 F0 không thể nào chính hiệu hơn. Số vốn ban đầu mình bỏ ra nhỏ xíu xìu xiu thôi, chỉ với hơn 7 triệu. Mình vẫn nhớ là đã chi ra để mua 200 cổ phiếu Techcombank với giá 39.000.
Sau khi đã giao dịch quen quen rồi thì mình bắt đầu tăng dần vốn lên. Cho đến bây giờ thì khoảng 50% tiền nhàn rỗi của mình dành cho đầu tư chứng khoán.
Khi bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán, mình không có một phương pháp nào cụ thể mà chỉ “tin” vào những công ty có nền tảng cơ bản tốt, hay lúc đó mình nghĩ là công ty uy tín. Ví dụ như Techcombank, FPT, SSI… Sau này khi đã nghiên cứu và hiểu thêm về chứng khoán thì mình mới biết đó là phương pháp phân tích cơ bản.
Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông, thế mà mình cắt lỗ đau đớn cùng 1 cổ phiếu 2 lần
Mình cũng đã từng đu đỉnh như bao F0 khác do tâm lý FOMO, nhưng mình có 1 nguyên tắc là không đầu tư các công ty có “phốt” hoặc “drama”. Do đó danh mục của mình không bị quá rủi ro mà thường những mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt rồi sẽ hồi phục lại.
Mã chứng khoán đầu tiên mà mình cắt lỗ là một cổ phiếu thuộc một tập đoàn mà lãnh đạo vừa mới bị bắt. Lúc đó mình chỉ lỗ khoảng 600.000 thôi vì chưa tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp đã mua và sau đó mới biết mã cổ phiếu đó thuộc tập đoàn này. Nhưng do vi phạm quy tắc nên mình quyết định cắt lỗ. Từ đó trở đi mình không bao giờ đầu tư những mã thuộc hệ sinh thái này nữa. Cũng phải cảm tạ trời đất, chắc 1 lần như vậy nên đến bây giờ cứ nhắc đến “họ” đấy mình nghĩ cũng không dám nghĩ chứ đừng nói là đầu tư.
Còn có lần đau đớn nhất chắc là cắt lỗ 2 lần cùng 1 cổ phiếu HNG do mua theo “phím hàng” đúng đỉnh. Sau đó gặp điều chỉnh mạnh và cổ phiếu yếu nên sẽ mất rất nhiều thời gian tích lũy lại. Mình cũng đắn đo khá nhiều trước khi quyết định cắt lỗ vì sợ mất tiền nhưng mà càng lỗ sâu thì mức lợi nhuận đạt được để hoà vốn càng cao.
Song mình vẫn quyết định “nuốt nước mắt” cắt lỗ để tập trung vào những mã khoẻ và bù lại phần vốn bị mất đó. Mã đó mình cắt khi lỗ 25%. Tuy nhiên may sao tỷ trọng chỉ chiếm dưới 10% danh mục nên cũng không ảnh hưởng quá lớn
Ai mà chẳng một lần nghiện thị trường xanh đỏ
Bằng một cách nào đó mình bị bảng điện “hớp hồn”, kiểu nhìn cái cây mình chăm lớn lên xanh tốt ý. Nếu nó không xanh thì lại phải tìm ra nguyên nhân vì sao mà không xanh, sai ở đâu, điểm mua có sai không, các hỗ trợ thế nào, có thông tin gì quan trọng không,…
Bây giờ thì mình thấy việc nhìn bảng điện cũng khá quan trọng vì nó giúp mình nhìn tổng quan các nhóm ngành, xu hướng,… Nếu một nhóm ngành nào đó mà đột nhiên giảm hay đột nhiên tăng cũng là điều cần lưu ý để xem nó có ảnh hưởng đến danh mục của mình không. Trước nghiện lắm giờ bớt bớt nhiều rồi ấy!
Hơn thế nữa có một điều may mắn là mình làm việc từ xa, không phải đến văn phòng nên có nhiều thời gian hơn. Nhiều người cũng hỏi “nghiện” bảng điện thế có bị sếp mắng không. May thay, sếp mình chỉ quan tâm đến hiệu suất công việc, kết quả tốt là được.
Đầu tư giúp mình có động lực tiết kiệm hơn hẳn
Chắc hẳn ai cũng từng có lúc “full cổ”. Nhìn cổ phiếu mình thích đang giảm nhưng lại không có tiền để mua vào, phải gọi là ấm ức như bị người yêu bỏ. Do vậy, bây giờ khi tiết kiệm tốt hơn, mình đã có một khoản tiền nhàn rỗi mà trước đó mình không bao giờ nghĩ là có thể bỏ ra được.
Hơn thế nữa, đúng như câu “tiền đẻ ra tiền”, việc đầu tư chứng khoán nếu thực sự học tập, nghiên cứu và thử nghiệm thì chắc chắn sẽ mang lại cho mình một khoản lợi nhuận tốt.
Bên cạnh đó, mình mới chỉ tham gia vào thị trường chứng khoán 1 năm thôi nên tính ra vẫn chỉ là một F0, còn khá non trẻ so với những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường. Tuy nhiên mình cũng trải qua nhiều bài học và hiểu tại sao những người đi trước luôn chia sẻ về tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro.
Với mình thì nhìn lại thành quả 1 năm với lợi nhuận khoảng 25%, không tính “bằng lần” nhưng cũng cao hơn việc gửi ngân hàng hoặc làm thêm các công việc khác rất nhiều. Điều đó cho mình một bài học quan trọng là phải luôn quản trị rủi ro và tinh gọn danh mục bởi vì nếu mình tuân thủ một cách kỷ luật thì có thể mình còn đạt mức lợi nhuận tốt hơn.
Việc đặt ra các quy tắc rõ ràng cũng rất cần thiết để bạn không bị cuốn theo thông tin tràn ngập trên mặt báo mỗi ngày. Các quy tắc của mình là: cắt lỗ khi vi phạm bằng cách đặt lệnh điều kiện, chặn lãi khi cổ phiếu đạt hoặc vượt giá mục tiêu. Chỉ mua cổ phiếu khi mình có hiểu biết tương đối về doanh nghiệp và xác định nắm giữ. Cuối cùng điều quan trọng nhất là luôn biết đủ và kiểm soát lòng tham.
Có 1 cách để xác định hiệu quả đầu tư của mình là tạo 1 danh mục ảo mà bạn không thực sự mua nhưng theo dõi. Sau đó đo lường hiệu quả đầu tư dựa theo sự biến động của cổ phiếu đó để rút ra những bài học về điểm mua cổ phiếu đó có phù hợp không. Theo mình cổ phiếu tốt đến mấy mà chọn thời điểm mua sai thì cũng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Bạn nên tham gia khi cổ phiếu đã có sự tích lũy đủ để có thể tăng giá trong giai đoạn tiếp theo chứ không nên mua khi thị trường quá hưng phấn.
Cuối cùng, nhiều người thường bảo là đầu tư càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mình nghĩ rằng hãy chỉ đầu tư khi bạn có kiến thức và thực sự sẵn sàng chứ không phải vì thời điểm đó là sớm hay muộn.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!