Chạy tiếp sức
Trải qua các biến cố lớn từ cuối năm 2019 do đại dịch Covid-19 gây ra, thế giới càng nhận thấy rằng cách tốt nhất để vượt qua những thử thách cam go chính là phát huy tốt sức mạnh của khoa học công nghệ.
Không nằm ngoài mục đích này, quỹ VinFuture đã được thành lập vào ngày 20/12/2020, đóng vai trò một “người chạy tiếp sức” – tiếp thêm một lực đẩy mạnh mẽ và quan trọng cho các nhà khoa học trên thế giới tạo ra những sự thay đổi lớn, mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho hàng tỉ người dân trên toàn cầu.

Thế giới đã và đang có những giải thưởng rất cao quý, giàu truyền thống, trao cho các nhà khoa học, trong đó danh giá nhất là giải thưởng Nobel. Tiếp nối ý nghĩa tốt đẹp của giải thưởng Nobel, nhiều giải thưởng tương tự khác đã ra đời như: Giải thưởng Breakthrough được trao cho những phát hiện khoa học nổi bật trong 3 lĩnh vực Toán học, Vật lý cơ bản và Khoa học sự sống; Giải Tang với các hạng mục dành cho Phát triển bền vững, Khoa học dược sinh học, Công nghệ học và Pháp quyền; hay Giải Japan Prize dành cho những thành tựu xuất sắc trong khoa học và công nghệ…
Và nay là Giải thưởng VinFuture, với tổng giá trị trao thưởng đến 4,5 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay.
Ra đời ngay giữa lúc cao điểm bậc nhất của đại dịch Covid-19 toàn cầu, giải thưởng VinFuture ra đời mang trong mình kỳ vọng tìm ra những giải pháp giải quyết các vấn đề thế giới đang phải đối mặt.
Cụ thể, giải thưởng sẽ vinh danh những đề tài xứng đáng nhất, đã hoặc sẽ có tiềm năng giải quyết dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực công nghệ, phát triển nông nghiệp thông minh và cung cấp lương thực, thực phẩm sạch; phát triển năng lượng tái tạo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số khác trong giáo dục và đời sống…
Những bộ óc xuất chúng
Chỉ sau hơn 4 tháng mở cổng nhận đề cử (từ 20/12/2021), giải thưởng đã thu hút được gần 1.200 đăng ký giới thiệu đề cử đến từ những “nôi học thuật” trên thế giới. Cụ thể là Đại học Harvard; Đại học Cambridge và Oxford; Đại học Tokyo cùng các tổ chức uy tín như Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ; Hiệp hội Max Planck của Đức; Viện Khoa học Trung Quốc…
Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize….
Bên cạnh sự góp mặt của nhiều nhà khoa học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo hàng đầu thế giới, giải thưởng VinFuture còn thu hút các nhà sáng chế đến từ các quốc gia đang phát triển. Theo số liệu thống kê, các tác giả đến từ Bắc Mỹ chiếm tỷ lệ 31,6 %, châu Á là 33, 9% và châu Âu là 21%; ngoài ra, giải thưởng cũng nhận được nhiều đề tài của các nhà nghiên cứu từ châu Đại Dương, châu Mỹ La tinh và châu Phi. Đáng chú ý, các nhà khoa học nữ hiện diện ở tất cả các hạng mục đề cử và chiếm tới 34,3% tổng số ứng viên.
Không chỉ gây chú ý bởi cơ cấu giải thưởng với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD, giải thưởng VinFuture còn được báo quốc tế gọi là giải thưởng khoa học “đáng chú ý” nhất trong thời gian qua. Sở dĩ VinFuture được nhận định như vậy là bởi sự hiện diện của các chủ nhân những giải thưởng khoa học, công nghệ danh giá nhất thế giới như Nobel, Millennium Technology hay Breakthrough trong Hội đồng giải thưởng.

Có thể kể đến các tên tuổi lớn như GS. Michael Porter (một trong 25 người tại ĐH Harvard hiện có học hàm giáo sư bậc cao nhất), GS.Gérard Mourou (người đạt Giải Nobel Vật lý 2018), GS. Leslie Valiant (được coi là “cha đẻ” của lý thuyết học máy), nữ GS.Jennifer Tour Chayes (Giải thưởng Women of Vision của Viện Anita Borg); hay GS.Kostya S. Novoselov (giải Nobel Vật lý năm 2010 ở tuổi 36)… và các nhà khoa học đầu ngành khác.
Ngoài ra, tại Tuần lễ trao giải VinFuture (từ 18 -21/01/2022), công chúng Việt Nam sẽ có cơ hội hiếm hoi được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với những bộ óc xuất chúng nhất của thế giới đương đại qua buổi tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống” gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề Tương lai của Năng lượng, Tương lai của Trí tuệ Nhân tạo và Tương lai của Sức khỏe Toàn cầu.
Trong đó, phiên họp Tương lai của Năng lượng sẽ quy tụ 2 chủ nhân giải Nobel là GS. Konstantin S. Novoselov, GS. Gérard Mourou cùng GS. Richard Henry Friend – chủ nhân Giải Millennium Technology Vật lý 2010. Phiên họp Tương lai của Trí tuệ nhân tạo cùng với sự góp mặt của những nhà khoa học hàng đầu thế giới như TS. Padmanabhan Anandan, GS. Jennifer Tour Chayes, TS. Xuedong David Huang, TS. Bùi Hải Hưng…
Phiên họp Tương lai của Sức khỏe là sự góp mặt của bộ 3 nhà khoa học GS. Pieter Rutter Cullis – người tiên phong trong trị liệu gen bằng cách sử dụng công nghệ hạt nano lipid (LNP); GS. Drew Weissman và TS. Katalin Kariko – đồng chủ nhân Giải thưởng Breakthrough trong Khoa học Đời sống 2021 với công nghệ mRNA cho phép rút ngắn thời gian sản xuất vaccine từ vài năm xuống vài tháng.

Sau chuỗi tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống, chủ nhân của các giải thưởng VinFuture danh giá với tổng giá trị lên tới 4,5 triệu USD sẽ chính thức được công bố vào tối 20/1/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nguyệt Phạm
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!