Điểm chung của hơn 10 ngân hàng đã báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2020 là tất cả đều có lãi, nhiều ngân hàng vượt qua con số 1000 tỷ đồng khá xa. Điều đáng ngạc nhiên là những con số ấy còn tốt hơn cả 2019, năm ăn nên làm ra và không hề có dịch bệnh hay bị Covid-19 tàn phá như 2020!
Nên xem:

Nhiều ngân hàng khác cũng đã thông báo những khoản lợi nhuận khổng lồ. VietinBank cũng cho biết năm 2020 ngân hàng vượt xa các chỉ tiêu kế hoạch năm đặt ra. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ 16.450 tỷ đồng (tăng hơn 40% so với gần 11.500 tỷ của năm 2019). BIDV cũng đã tổng kết hoạt động với lợi nhuận năm 2020 ở mức hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 8.515 tỷ…

Không chỉ TOP đầu mà những ngân hàng phía sau cũng có một năm làm ăn phát đạt dù dịch bệnh vẫn chưa ngừng rình rập và để lại hậu quả cho nhiều ngành. TPBank đạt lợi nhuận trước thuế tăng 11% đạt hơn 4.200 tỷ đồng. MSB, trong thông tin mới công bố ngày 5/1, lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.

Mới tính 11 tháng, ACB đã có lợi nhuận trước thuế đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm; tổng tài sản gần 428.000 tỷ đồng, tăng 11,7%. VIB trong 10 tháng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm với hơn 4.570 tỷ đồng.
Quả là nghịch lý và có phần gây ngạc nhiên khi hàng loạt ngành nghề khác, đa số là cầm cự, thoi thóp và thậm chí lỗ hàng chục ngàn tỷ như Vietnam Airlines hay nhiều doanh nghiệp du lịch, vận chuyển, dịch vụ… khác.

TS Cấn Văn Lực nhận định tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng thường có độ trễ so với doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp, người dân sẽ chịu ảnh hưởng ngay khi dịch bùng phát thì ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng sau, khi khách hàng không thể thanh toán nợ đến nợ. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp phát sinh thêm nợ xấu trong hệ thống thời gian qua và dự kiến còn tiếp diễn trong năm tiếp theo.

Còn chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng lợi nhuận ngân hàng năm 2020 chưa phản ánh đứng “sức khỏe” của chính ngành này. Ông Hiếu đánh giá lợi nhuận ngân hàng tăng năm nay một phần vì lãi suất đầu vào đã giảm đáng kể. Trong khi đó, lãi suất cho vay không giảm tương xứng giúp biên lợi nhuận ngành cao hơn cả năm trước.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép không chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, từ đó các ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như thực tế.

Những phân tích trên đúng sai ra sao có lẽ thời gian sẽ trả lời chính xác hơn. Nhưng trên thực tế ngân hàng càng lãi thì doanh nghiệp và người tiêu dùng vay vốn càng vất vả với gánh nặng nợ nần vì phần lớn các con số lợi nhuận khủng trên đến từ đây. Dù làm ăn có được hay không, khốn khổ với nợ nần thế nào thì vẫn phải trả lãi vay đúng hạn, đúng lãi suất và đầy đủ.
Còn các ngân hàng, họ tuyên bố chia sẻ khó khăn thế nào, thực hiện điều ấy ra sao thì con số lợi nhuận cũng là một phần của câu trả lời.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!