Tình cảnh ế ẩm của hàng quán, tiệm shop và cả ở những trung tâm thương mại đang hiện hữu từ Bắc vào Nam khi khách hàng ngại đi mua sắm, tụ tập.
Không chỉ những chủ nhà phải giảm giá để giữ người thuê mà nhiều chủ đầu tư lớn cũng phải hạ giá mạnh để “chia sẻ” với khách hàng.
Hưng Thịnh vừa thông báo giảm mức giá thuê mặt bằng từ 20-40% trong thời gian tháng 2 đến tháng 4 cho tất cả các đối tác. Tuy nhiên tùy tình hình thực tế, mức giá có thể giảm nhiều hơn và thời gian cũng linh động hơn.
Trước đó, Công ty CP Vincom Retail công bố dành 300 tỉ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống. Chương trình hỗ trợ được áp dụng cho đối tác ở tất cả các ngành hàng đang kinh doanh tại 79 trung tâm thương mại trên toàn quốc, có hợp đồng thuê giá cố định đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, phần lớn của gói hỗ trợ sẽ được dành cho việc giảm giá tiền thuê mặt bằng cho đối tác, một phần dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom.
Theo thống kê sơ bộ tại TP.HCM, so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách đến các Trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40-50%. Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20-30%, cuối tuần giảm tới 50%.
Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, shopping mall giảm tới 40%… Sau những tiếng kêu cứu, nhiều người thuê, DN đã phải thu gọn hệ thống, thậm chí đóng cửa hoặc dừng kinh doanh chờ qua dịch!
Nhiều tuyến đường lớn, tấp nập mua sắm, buôn bán ở TP.HCM như khu Phan Xích Long, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng… cũng đầy rẫy những tấm bảng cho thuê mặt bằng, trả mặt bằng, tạm dừng hoạt động… vì khách thuê không chịu nổi chi phí khi gần 2 tháng nay quá ế ẩm trong khi chỉ riêng tiền thuê nhiều tiệm tiêu tốn hàng trăm triệu/tháng. Không ít chủ nhà đã giảm từ 500-3000 USD/tháng tùy mặt bằng để giữ khách.



Mặc dù đưa ra lý do hỗ trợ khách hàng nhưng thực tế giảm vẫn còn có nguồn thu hơn là khách hàng đóng cửa dừng luôn hợp đồng chưa biết khi nào trở lại.
Trước dịch không ít TTTM đã vắng khách, mặt bằng bị trả nên đây còn là dịp để chủ đầu tư giữ khách cũ, thu hút thêm khách mới còn hơn là mặt bằng để không.
Bên cạnh đó thì TTTM càng vắng gian hàng có người thuê càng ít khách đến vì không nhiều lựa chọn. Chưa kể so với chi phí đầu tư, vận hành thì giảm 20-30% giá thuê, chủ đầu tư vẫn có lãi mà trong thời điểm dịch bệnh này làm ăn hòa vốn đã được xem là thành công.
Từ những lý do trên thì những chủ đầu tư “khôn ngoan” biết vì người thuê cũng là vì sự sống còn của mình nên giảm giá sớm và chia sẻ với khách hàng chỉ là một trong những lý do.
Đây cũng là bài học để nhiều ngành hàng khác chia sẻ với khách hàng để cùng nhau “sống sót” và tồn tại, vượt qua mùa dịch này.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!