Tỉnh Tiền Giang là vùng đất nằm ngay cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ, vùng đất có lịch sử hơn 340 năm tổ tiên khai hoang mở cõi. Là vùng đất nằm cạnh con sông Tiền – một trong những nhánh sông lớn của dòng Cửu Long hiền hòa, đầy ắp phù sa bồi đắp. Nhờ địa thế thiên nhiên ưu đãi mà trở nên trù phú về cây trái, hoa màu, lúa gạo và cá mắm, con người hiền hòa đôn hậu và thật hiếu khách.
Trên đường đi, chúng tôi đã bàn luận, trao đổi nhiều câu chuyện thú vị về nếp xưa Nam bộ, đại loại như vì sao người ta hay cúng vịt trong lễ Đầy tháng, Thôi Nôi, vì sao có áo bà ba, chè bà ba, vì sao chưng bông vạn thọ trong ngày Tết… Chúng tôi còn tổ chức những câu hỏi đố vui có thưởng cho các bé nhi đồng là con em cán bộ công nhân viên của tập đoàn.
Chúng rất thích thú với những câu hỏi như: hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn được sinh ra ở Tiền Giang là ai? Cây mít có bao nhiêu loại lá? Ngoài nguyên liệu xi măng, gạch đá xây nhà thì người Nam bộ thường dùng cây gì để làm nhà? Thật bất ngờ, các bé rất thông minh, trả lời rất nhanh và chính xác, chứng tỏ là đã có sự quan tâm văn hóa truyền thống sâu sắc.
Từng cung đường vào làng Đông Hòa Hiệp, chúng tôi không thể bước nhanh và vội vã được vì màu xanh ngút ngàn của vườn trái cây như bưởi, nhãn, đu đủ, mận, vú sữa…nằm lúc lỉu trên cành.
Phía trước sân nhà dân thì nào hoa lồng đèn, bông bụp đỏ thắm, hoa huỳnh anh vàng rượm lung linh, và còn đó những cành mai nở muộn như thể đang chờ chúng tôi trong chuyến về nguồn.
Các cháu thiếu nhi cứ reo lên trầm trồ chiếc đèn lồng do chị Lưu Thị Thanh Mẫu- trưởng đoàn của chúng tôi đang khéo léo tước chỉ tơ từ hoa bông bụp.
Làng Đông Hòa Hiệp có nhiều nhà cổ của các vị phú hộ ngày xưa, và ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà ông Ba Đức được xây dựng hồi năm 1938 nằm trong khuôn viên rộng trên 2 hecta với kiến trúc hòa hợp Đông-Tây. Bên ngoài là kiểu Tây với hàng cột thức hoành tráng, bên trong là cột gỗ trang trí hoành phi, đối liễn chạm trổ công phu. Hiện ra trước mắt đoàn chúng tôi là hai câu đối treo hai bên cột giữa nhà được cẩn xà cừ rất đẹp:
積徳勝遺金處世當遵司馬訓
Tích đức thắng di kim xử thế đương tuân tư mã huấn.
惟善以爲寳持身宜省楚書言
Duy thiện dĩ vi bửu trì thân nghi tỉnh sở thư ngôn.
Tôi xin tạm dịch là:
“Tích đức hơn tích bạc vàng,
Sửa mình như thể sửa đàng ngựa đi.
Một lòng chánh thiện khắc ghi,
Khuôn vàng thước ngọc tu trì dưỡng thân.“
Rõ ràng là người đời xưa tuy rằng giàu có nhưng luôn hướng đến việc tích đức tu thân và mong con cháu cũng theo sở học đó mà đối nhân xử thế.
Nội dung câu đối cũng gần như vậy lại xuất hiện bên nhà cổ của ông Kiệt cách đó không xa. Nhưng đoàn chúng tôi rất bất ngờ với dạng nhà rường được trang trí lộng lẫy những hoành phi câu đối.
Có bức hoành ghi rằng 棟宇維新 ĐỐNG VŨ DUY TÂN, nghĩa là “cột nhà và mái nhà cùng đoàn kết vững chắc hướng đến điều mới mẻ” và 世書香 THẾ THƯ HƯƠNG, nghĩa là “trọng việc học hành để nên danh”.
Bao nhiêu đó cũng cho thấy nếp nhà, lối sống của người xưa luôn trọng việc học và nêu cao giá trị chân thiện mỹ của nhân sinh.
Về nguồn trong chuyến du xuân, được thưởng thức món ăn rặt Nam bộ như cháo gà, thịt kho trứng, canh khổ qua, bánh tét, dưa hấu…vừa ngon vừa đầy đủ ý nghĩa chúc tụng nhau điều may mắn.
Chúng tôi đã không thể nào quên một chuyến đi tuyệt vời như thế, vẫn còn thấy lưu luyến vị ngọt ngào của sầu riêng, ổi xá lị, ly nước mía, và trái vú sữa của bà chủ quán tặng cả đoàn với giọng nói miền Nam chân chất: – Chèn ơi, tụi con tới ủng hộ cô mừng lắm, tặng tụi con mấy trái vú sữa “lò gèn” để đi đường ăn cho vui, lúc nào “gảnh” thì xuống thăm cô nghen.
Vâng, bản thân tôi cũng xúc động với chuyến về nguồn này mà thốt lên rằng:
Lộng lẫy chuyện đời xưa như trước mặt,
Bồi hồi giấc mộng cũ tựa trang thơ!
Nguồn: Hồ Nhựt Quang
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!