Ngay ngày mùng 1 Tết ( 25/1/2020), Chủ tịch tập đoàn Novaland Bùi Thành Nhơn đã gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà!
Trong đơn, ông Nhơn kêu cứu về hàng loạt khó khăn mà tập đoàn địa ốc từng là số 1 Việt Nam gặp phải như : đã kiệt sức, cần Nhà nước hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản! Nếu không, Novaland sẽ phải đối mặt với khoản nợ xấu 50.000 tỷ gây ra cho các ngân hàng, 250.000 người “biểu tình” đòi trả nhà, lấy lại tiền, mất công ăn việc làm cho hàng chục ngàn nhân viên, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư…!?
Xem văn bản cầu cứu khẩn cấp trên, lướt qua có thể thấy tập đoàn này đang lâm nguy. Nhưng cũng chính họ “đề xuất” cho Bộ Xây dựng “đường thoát” cho mình! Đó là “cho phép Novaland được tiếp tục thực hiện dự án 32,224 ha ở Bình Khánh, Q.2, TP.HCM bị tạm dừng 2 năm nay”!
Có vẻ như tất cả “nỗi khổ” mà Novaland kêu ca cuối cùng cũng nhằm đến mục đích chính là xin làm cho bằng được dự án 32,224 ha ở Bình Khánh mà họ cho biết đã đổ 6000 tỷ đồng vào đây. Dự án này bị tạm dừng vì vướng 1 số thủ tục pháp lý mà nhất là sau khi toàn bộ khu Thủ Thiêm trong đó có dự án trên bị rà soát, thanh kiểm tra lại.

Gần hai năm qua, ngoài các dự án bất động sản ở các tỉnh khác với nguồn thu không “xứng tầm” với Novaland thì tập đoàn này không có dự án mới ở TP.HCM, nơi mà họ từng kiếm hàng chục ngàn tỷ thời hoàng kim và trong tương lai nếu được triển khai, dự án ở Bình Khánh có thể giúp họ phục hồi.
Với diễn biến trên thị trường không khó để giới bất động sản và dư luận nhận định rằng Novaland “ăn vạ” chứ không phải kiệt sức thiệt sự dù họ đang gặp vô vàn khó khăn và chưa có dự án nào có thể giúp vượt qua sóng gió trong thời gian tới. Tuy nhiên, cầu cứu là một chuyện, Bộ Xây dựng có đáp ứng và đủ thẩm quyền để “cứu” Novaland không lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Giờ đây, không riêng gì Novaland mà hàng loạt doanh nghiệp khác rồi cũng rơi vào cảnh tương tự khi dự án mới không có, có dự án nhưng không được duyệt vì trên dưới “đùn đẩy”, e ngại trách nhiệm. Nếu tình trạng này kéo dài thì không chỉ các doanh nghiệp bất động sản lâm nguy mà hàng loạt ngành nghề liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, điện nước công trình cùng khá nhiều hàng hóa hỗ trợ và cả ngân hàng sẽ gặp không ít khó khăn.
Có lẽ dù muộn nhưng đã đến lúc Nhà nước cùng chính quyền địa phương cần ra tay cùng các biện pháp tổng thể, đồng bộ để thị trường bất động sản không lâm vào cảnh đóng băng và rơi tự do.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!