Chung cư tôi ở, một trong ít nơi may mắn được chủ đầu tư bàn giao lại hơn 40 tỷ phí bảo trì khi bầu xong Ban Quản trị. Tuy nhiên đến nay vẫn có lời ra tiếng vào vì lãi suất hay cách sử dụng số tiền khá lớn trên. Đấy là chung cư may mắn còn nhiều chung cư có khi gần chục năm, chủ đầu tư tìm mọi cách chậm trễ, thậm chí giữ khư khư không chịu bàn giao!

Nên xem:
Người ta nêu đủ lý do để chậm hay chưa bàn giao quỹ bảo trì hoặc lập lờ trong cách sử dụng quỹ. Tuy nhiên lý do lớn nhất vẫn là khoản tiền khổng lồ ấy có nhiều cách để sinh lợi và không dễ có trong thời điểm này. Chỉ cần gửi ngân hàng thì hàng năm có chung cư cũng thu về gần chục tỷ, đủ để chi trả nhiều khoản và sửa chữa, mua sắm nhỏ mà không đụng đến đồng nào của cư dân. Tuy nhiên vì nhiều và dễ “ biến báo” như thế nên phát sinh quá nhiều rắc rối.

Tính đến tháng 5/2020, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, chỉ có 194 chung cư “đã và đang thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì”. Theo thống kê, TP.HCM có 1.401 chung cư, trong đó có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, một số chung cư xây dựng sau năm 1975 đến năm Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực; nếu trừ đi 2 diện này thì con số nhà chung cư chưa bàn giao phí bảo trì ít nhất cũng phải trên 500!
Sở Xây dựng TP.HCM nhiều lần kiến nghị xử lý theo 2 hướng: đối với các vướng mắc tồn tại lâu nay, BQT sẽ khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án nhân dân theo pháp luật về tố tụng dân sự. Hướng thứ 2, bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do BQT thu của các chủ sở hữu trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định. Nhưng cho đến nay kiến nghị vẫn chỉ là kiến nghị.

Thật ra tháng 8/2020, Bộ Xây dựng trình Chính phủ giải pháp người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở. Bộ cũng từng tính đến phương án bỏ luôn phí này đối với người mua nhà nhưng vẫn chỉ là đề xuất và cho đến nay những tranh cãi quanh khoản phí này vẫn là vòng luẩn quẩn, bàn thảo mãi vẫn như cũ!
Bỏ phí bảo trì giá nhà sẽ hạ chút ít nhưng nếu sửa chữa lớn và cần kinh phí gấp thì lấy đâu ra? Tổ chức hội nghị chung cư hay huy động của dân cư không dễ như người ta nghĩ và có nơi chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”. Còn giữ phí bảo trì như hiện nay và sử dụng kiểu bây giờ thì quá thiệt thòi và bất lợi cho người mua nhà hay cư dân. Nên chăng phí bảo trì sẽ đóng hàng năm như phí quản lý và minh bạch thu chi từ Ban quản trị chứ không để chủ đầu tư thu ngay từ lúc bán nhà?
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!