Theo HoREA thì không có một “làn sóng” người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại nước ta và thực tế tình hình người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua đã chứng minh cho nhận định này.
Số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009 – 2019) của Bộ Xây dựng cho biết, đã có 5 nghìn dự án nhà ở với 3.774 nghìn căn nhà, bình quân mỗi 5 năm phát triển được khoảng 787 nghìn căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16 nghìn căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, thì chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở!
Con số trên là một thực tế phũ phàng chứng minh rằng thị trường không phải lúc nào cũng tốt đẹp như trên lý thuyết hay báo cáo.

Trước khi có làn sóng đề nghị “mở cửa” cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thì đã có dự báo lạc quan đến mức hàng năm sẽ có hàng trăm ngàn bất động sản được bán cho đối tượng này! Sau 5 năm, con số ấy dừng lại ở 16.000, trung bình hơn 3.000 căn/năm và chỉ bằng 1/10 kỳ vọng!

Những bất ổn do người nước ngoài được mua nhà hay nhờ đứng tên nhiều nơi vẫn vượt qua tầm quản lý của cơ quan chức năng.
Quan điểm của HoREA “trên cơ sở nghiên cứu ý kiến cảnh báo của Bộ Quốc phòng và kiến nghị của Bộ Công an, HoREA có chung quan điểm chưa nên cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch – condotel” đã cho thấy quá rõ điều đó.

Những lý do mà Bộ Xây dựng đưa ra kiến nghị cho người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng như thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm đạt thấp, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sụt giảm.
Trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng… dường như chưa thuyết phục được cả giới chuyên môn lẫn cơ quan quản lý.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 39.100 căn hộ du lịch (condotel). 48 dự án trong số này là bất động sản nghỉ dưỡng đang xây dựng, dự kiến cung ứng cho thị trường hơn 18.540 căn hộ du lịch và 3.359 biệt thự du lịch trong tương lai.
Bên cạnh đó thì nhiều tổ chức ước lượng khoảng hơn 50.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đang “tồn kho”. Điều đó cho thấy ngay cả khách trong nước còn e ngại loại hình này thì không có gì đảm bảo khách nước ngoài sẽ ưa chuộng như “mơ mộng”.

Trong khi đấy, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản du lịch chưa đầy đủ, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn người mua… thì cho đến nay vẫn còn nhiều thứ ở thì tương lai và chưa biết bao giờ mới hoàn chỉnh. Có lẽ đó mới là thứ mà khách hàng cả trong lẫn ngoài nước (nếu sau này được phép) trông chờ và mong ngóng lâu nay.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!