Ở góc độ cá nhân, tôi luôn ý thức rất rõ về hai chữ: an ninh và an toàn.
An ninh – không chỉ là chuyện cổng rào, then cửa
Nếu chúng ta được sống trong một môi trường an ninh – không lo sợ trộm cướp – thì có lẽ nhiều người đã không phải “kín cổng cao tường”, không cần cơi nới thêm khung sắt, lồng sắt vì lo sợ kẻ gian đột nhập.
Rất nhiều khu cư xá, chung cư cũ, nhà ống, trong hẻm sâu… vì muốn mở rộng sân phơi, trồng thêm cây, hay đơn giản là để "giữ của", đã vô tình biến căn hộ của mình thành một chiếc lồng sắt. Khi có sự cố, chính những khung sắt ấy trở thành cái rọ nhốt người bên trong, khiến việc thoát hiểm và tiếp cận từ bên ngoài trở nên khó khăn, thậm chí bất khả thi.
Giá như môi trường sống đủ an ninh, có lẽ ta đã không tự tay bịt lối thoát của chính mình.
Ba tôi ngày xưa ở quê hay để một cửa hậu phía sau nhà. Hỏi thì ba cười: "Một phần để trốn chủ nợ, một phần để rút lui khi có chuyện bất trắc!" Đùa đó mà thật. Đôi khi lối thoát không phải để trốn, mà để giữ cho mình còn sống.
Ba cũng thường để sẵn một cây gậy tròn trước cửa nhà. Hỏi thì ba bảo: "Nhỡ có con chó dại nào xông vào thì còn có thứ phòng thân". Nghe thì giản đơn, nhưng thật ra đó là một lối nghĩ của người từng trải – luôn chuẩn bị cho cả tình huống bất ngờ nhất.
An toàn – từ nhận thức cá nhân đến trách nhiệm cộng đồng
Chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước đều có. Từ quy định pháp luật đến các khuyến cáo phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm… đều rất rõ ràng. Nhưng quan trọng hơn cả là người thực thi chính sách ra sao, và mỗi người dân tuân thủ đến mức nào.
An ninh và an toàn – tuy là điều kiện khách quan, nhưng cũng là câu chuyện rất chủ quan. Nó vừa phụ thuộc vào môi trường sống, vừa phụ thuộc vào nhận thức và lối sống của mỗi người.
Trước khi đòi hỏi xã hội phải đảm bảo an toàn cho mình, hãy tự hỏi: mình đã biết bảo vệ mình chưa?
Người sống kỹ, sống cẩn trọng – "cẩn tắc vô áy náy" – là người luôn đặt chữ An lên hàng đầu, trong cả công việc lẫn đời sống.
Gia đình chị Đan Nguyễn thoát khỏi hoả hoạn và được chăm sóc tại bệnh viện trong vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, TPHCM ngày 23/3/2018 khiến 14 người tử vong
Chữ An trong thể thao – một lối sống chủ động
Ở góc nhìn thể thao, rất nhiều người tập luyện không phải để ganh đua, mà để an cho cả thân – tâm – trí.
Người chơi thể thao sẽ ít hoảng loạn hơn khi đứng trước tình huống bất ngờ.
Họ có phản xạ nhanh nhạy hơn khi gặp sự cố.
Và đặc biệt, họ có khả năng lường trước rủi ro để tránh, thay vì để rơi vào thế bị động.
Giống như việc buộc dây giày khi chạy bộ. Không chỉ để giữ chân cho chắc, mà còn là để khi cần – có thể kéo giày ra nhanh nhất. Người cẩn trọng không chỉ nghĩ đến lúc chạy, mà nghĩ luôn đến cả lúc phải dừng lại trong nguy hiểm.
Chi tiết nhỏ – Suy nghĩ lớn
Tôi lấy ví dụ từ chính thói quen cá nhân:
Khi đi công tác dài ngày, ô tô tôi không để dưới hầm, bởi nhỡ hệ thống bơm trục trặc thì có thể bị ngập nước. Tôi sẵn sàng để xe ngoài trời, miễn là không dưới gốc cây to – thay vào đó là giữa hai cây – để tránh nguy cơ cây đổ hay cành rơi trực tiếp lên xe.
Về nhà sau nhiều ngày vắng, tôi không bước ngay vào thang máy. Tôi thường để vali vào trước, xem như một "bài test". Khi đi thang máy một mình, tôi luôn thủ sẵn điện thoại – đề phòng sự cố. Và nếu trong nhà không ai khác, tôi hạn chế tối đa việc đi thang máy đơn lẻ.
Không phải vì tôi sợ hãi, mà vì tôi biết sợ đúng lúc, và biết tự bảo vệ mình trước khi đợi ai đó bảo vệ.
Vô thường và nhắc nhở
Cuộc sống vô thường, không ai đoán trước được điều gì. Chúng ta xót xa cho những mất mát, nhưng chính những biến cố ấy cũng là lời nhắc nhở để mỗi người sống tỉnh thức hơn.
Xin hãy nhớ về hai chữ: An ninh – An toàn, không chỉ để bảo vệ bản thân, mà còn là trách nhiệm với gia đình và cộng đồng.