yenleoleo yenleoleo
31/07/2024 16:26:34

Tình bằng có cái trống cơm và câu chuyện về văn hoá

"Văn hoá là bản chất, văn hoá là cội nguồn, văn hoá là dân tộc"

“Văn hoá là bản chất, văn hoá là cội nguồn, văn hoá là dân tộc. Câu chuyện văn hoá mà chúng tôi muốn kể đó là tiếp nối những giá trị truyền thống, chúng tôi muốn cho giới trẻ ngày hôm nay hiểu hơn và tiếp cận hơn nhiều hơn nữa để thêm yêu cái vốn cổ của dân tộc. Và những gì chúng tôi làm vẫn giữ lại nguyên sơ những cái nét văn hoá đấy. Bài Trống Cơm chúng tôi không sửa, nhưng có một điều đặc biệt chương trình đã cho chúng tôi, đó là 49% được sáng tác mới. Bởi vậy nên Soobin và Cường Seven, cùng với ekip đã sáng tác ra một đoạn. Cái đoạn đó cùng với âm nhạc của ngày hôm nay, chúng tôi làm mới cái giai điệu của Trống Cơm, nhưng không làm mất đi bản sắc dân tộc của mình. Đối tượng của chúng tôi có thể là người thế hệ 6x, 7x, 8x, nhưng cũng có thể là đối tượng 2000 - 2030, nhưng họ vẫn thích nghe Trống Cơm và chúng tôi làm giàu thêm kho tàng văn hoá của Việt Nam.” - NSND Tự Long chia sẻ về sân khấu Trống Cơm của nhóm Sao Sáng tại chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

Ngày hôm qua đưa tiễn cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến hôm nay xem tiết mục Trống Cơm lại như văng vẳng bên tai lời dặn của ông lão tóc bạc, cũng là một nhà văn hoá lớn của đất nước: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất.”

Thế giới đã bước sang một chương mới vô cùng đặc biệt trong lịch sử loài người. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ đang dần dần xóa đi những khoảng cách và ranh giới, hòa trộn sự khác biệt của các quốc gia, các nền văn hóa vào một khối thống nhất. Điều đó mang đến cho con người sự hiểu biết sâu sắc hơn, mối quan hệ rộng lớn hơn và sự công bằng hơn trong xã hội. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ rất lớn, bởi biên giới của các nền văn hóa cũng đang dần bị xóa nhòa. Khi một nền văn hóa dần mờ nhạt đi thì cái chết của nền văn hóa đó cũng đang đến gần. Đó là những gì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng chia sẻ. Ngay từ đầu thế kỷ hai mươi, thế giới đã dự báo xu thế về một thế giới phẳng và cảnh báo về sự nguy hiểm đối với bản sắc văn hóa của các quốc gia.

Khi nói đến chủ đề xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Bính đã viết rằng “Nói đến bản sắc văn hoá dân tộc thực chất là nói đến cái căn cước (identité) văn hoá của một dân tộc. Cái căn cước đó chỉ rõ chúng ta là ai, những truyền thống gì do chúng ta tạo nên và từ đâu thâm nhập vào tâm hồn chúng ta, được chúng ta nuôi dưỡng và phát triển trong đời sống của mình”.

Mỗi một cá nhân con người và mỗi một dân tộc tự tạo nên ý nghĩa bằng cách xác lập được căn cước văn hóa của mình. Căn cước văn hóa trong mỗi cá nhân con người và trong mỗi quốc gia là những yếu tố cơ bản, hay có thể nói là sống còn, để xác lập sự tồn tại độc lập của cá nhân cũng như quốc gia đó, qua đó làm nên vẻ đẹp cho nhân loại.

Không có văn hóa, nhân loại không biết đường để đi tới những giá trị nhân văn cao cả nhất. Nói một cách hình tượng thì không có văn hóa nhân loại sẽ trở thành một kẻ mù lòa. Bởi thế, bản sắc văn hóa, hay còn có thể gọi là “quyền lực mềm”, đặc biệt là bản sắc văn hóa truyền thống phải trở nên rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, khoa học nhất, nhân văn nhất và phù hợp nhất với tinh thần sống mới của đất nước.

Mà vấn đề văn hóa thực chất là vấn đề con người. Chẳng có cái văn hóa nào không nói gì về con người. Định nghĩa ngắn gọn nhất về văn hóa chính là “văn hóa là tổng hòa các giá trị người”. Âm nhạc cũng vậy, âm nhạc xuất phát từ bản thân con người, được truyền cảm hứng từ bản sắc văn hóa của họ, từ nơi họ được sinh ra và đại diện cho chính con người họ. Trống Cơm là một điệu hát như vậy, nó sinh ra trên đất Việt và đại diện cho chính con người Việt Nam.

Trống Cơm không chỉ là về cái trống cơm, mà là về giao duyên trong dân ca người Việt, chuyện tình duyên này là “duyên nợ khách tang bồng”, cái duyên còn đó mà người đã đi xa. Dân ca Việt Nam nói chuyện tình duyên đầy ý nhị, kín đáo, bởi đó là cái duyên thầm. Xe chỉ luồn kim không chỉ là chuyện kim chỉ, ngồi tựa mạn thuyền không chỉ là mạn thuyền, bèo dạt mây trôi đâu chỉ là chuyện bèo mây, cái trống cơm cũng vậy.

Như lời NSND Tự Long, khi làm một ca khúc với làn điệu truyền thống, nhưng lại có sự giao thoa, kết hợp, hoà nhập giữa truyền thống, hiện đại và đương đại để cho ca khúc có thể khiến người già, người cũ, người trung niên, người trẻ vẫn có thể lắng nghe trên những ca từ và trên những giai điệu của một làn điệu Trống Cơm mà đã quen thuộc rồi; thì những cái gì thuộc về dân tộc ta phải giữ lấy nó, sau đó phát triển, cách điệu, khoa trương và cuối cùng là thăng hoa. Để rồi từ đó, “tình bằng có cái trống cơm” đã trở thành “thương mong người mà người còn thương không”.

Ấy là còn chưa kể, khi cách điệu với lời ca mới, Trống Cơm thực tế vẫn chứa đựng huyền tích của giai điệu ban đầu. “Xếp mực nghiên, anh ra đi mang theo gương người xa, mong ngày về vinh quy một trời hoa” thực tế lại bám theo điển tích chàng nho sinh thành tài, áo gấm vinh quy tìm về báo đáp người trong lòng nhưng nàng đã đi xa, đó là câu chuyện cổ tích về sự ra đời của cái trống cơm. Nợ khách tang bồng nên mới thành duyên.

Không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện về văn hoá của Trống Cơm còn sâu sắc hơn thế. Đó là sự đan xen với giai điệu Chèo - một nghệ thuật sân khấu truyền thống tiêu biểu của người Việt. Theo dòng chảy thời gian, trước tác động của nền văn hóa hội nhập, nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật Chèo truyền thống rất cần được trao truyền, giữ gìn, và NSND Tự Long đã tiếp lửa cho thế hệ trẻ với Trống Cơm như vậy.

Đó còn là cây đàn bầu ngàn năm tuổi gắn liền với con người Việt Nam, giản dị mà thanh tao, đơn sơ mà phong phú. Là quạt giấy, khăn đóng, áo ngũ thân mang trên mình đạo làm người gắn liền với truyền thống đất Việt. Là những chiếc áo tơi khoác cả một trời văn hoá như trong "Ca dao em và tôi" của cố nhạc sĩ An Thuyên: "Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/ Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng/ Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai/ Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…" Là tiếng trống hội từ bao đời đã in sâu trong tiềm thức văn hoá tâm linh của mỗi người, là những lá cờ ngũ sắc để lại dấu ấn từ thời Hai Bà Trưng. Tất cả đều hội tụ lại trong một sân khấu nhạc hiện đại gần gũi với giới trẻ vô cùng.

Xin cảm ơn ekip chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, NSND Tự Long, Cường Seven và Soobin đã mang đến một sân khấu tràn đầy cảm xúc và những giá trị văn hoá như thế này!

Cre: A bit of Tô

   
0 bình luận     0 lượt thích