Không chựng lại hay hạn chế như nhiều người nghĩ, trong quý I, các doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu lãi cao. Báo cáo của SSI ghi nhận, nhóm các doanh nghiệp BĐS dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỷ lệ 49%, tương ứng với 23.202 tỷ đồng.
Đặc biệt, lãi suất phát hành bình quân trong qúy I là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn 1-2 tháng!
Trong lúc lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm thì lãi suất trái phiếu lại tăng và chỉ có làm cách đó thì trái phiếu BĐS mới thu hút được nhà đầu tư. SSI nhận định: “Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường”.

Trong quý 1, đã có có 33 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 23.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ và bằng 18,3% tổng lượng phát hành cả năm ngoái.
Gọi được khối tiền khổng lồ đó trong lúc thị trường vốn khó khăn như hiện nay là thành công của nhiều doanh nghiệp BĐS nhưng lại là nỗi lo của cả cơ quan điều hành, quản lý lẫn nhà đầu tư.
Ai cũng hiểu để trả được lãi cao như vậy và “tiêu thụ” hết nguồn tiền lớn như thế thì doanh nghiệp phải bán được khá nhiều hàng, thêm các dự án mới và khách mua nhà không thể “lèo tèo” như hiện nay.
Nếu doanh nghiệp dùng khối tiền ấy để “giật gấu vá vai”, bù chỗ nọ đắp chỗ kia và đặc biệt là đảo nợ, trả cho các khoản vay cũ thì rất đáng lo ngại. Với tình hình thị trường BĐS hiện nay, kể cả cho đến cuối năm thì cực kì khó để doanh nghiệp làm ăn thuận lợi và trả lãi, gốc suôn sẻ cho tất cả.
SSI đã đưa ra cảnh báo rủi ro với các nhà đầu tư như khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua các thời kỳ dịch bệnh của doanh nghiệp. Giãn cách xã hội thời gian dài, nền kinh tế còn nhiều ngành khác phải ưu tiên hơn, các nhà đầu tư thứ cấp thận trọng và nghe ngóng chờ BĐS giảm giá, hàng tồn kho còn hàng trăm ngàn tỷ đồng… là những dấu hiệu không tốt cho thị trường BĐS.

Bất cứ doanh nghiệp nào khi dùng trái phiếu huy động vốn cũng đã tính đến khả năng trả nợ và không phải ai cũng lâm vào khó khăn chưa thấy đường ra. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, bất chấp khuyến cáo của Bộ Tài chính và bất ổn của thị trường thì trái phiếu dễ là con dao hai lưỡi do bất kì doanh nghiệp BĐS nào.
Tiền bán trái phiếu nhiều nhưng sử dụng thế nào cho hiệu quả để bảo toàn vốn, có lợi nhuận và trả lãi đầy đủ cho người mua không phải là bài học mà doanh nghiệp nào cũng thuộc.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!