Theo báo cáo này, trong quý 1 vừa qua, chuỗi VinCommerce đạt tăng trưởng doanh thu tới 40%, đạt mức 8.709 tỷ đồng so với mức 6.206 tỷ đồng vào quý 1/2019! Như vậy chỉ sau 1 quý về tay Masan, chuỗi Vinmart đã gần như lột xác dù vẫn lỗ tới 200 tỷ!

Không như Vingroup mở chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung bên ngoài, Masan đã chủ động hầu hết được các mặt hàng thiết yếu và đây lại là lợi thế cho họ khi mua tận gốc bán tận ngọn. Kinh doanh kiểu “của nhà trồng được” như thế này thì không thuận lợi và tối ưu hóa được mặt hàng, tự cung tự cấp theo đúng nhu cầu khách hàng mới là chuyện lạ.

Chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Thật sự, tôi đã không nghĩ rằng VinCommerce có thể chuyển đổi nhanh như vậy. Mức lỗ của VinCommerce trong quý 1/2020 đã giảm một nửa và doanh thu tăng trưởng 40% so với quý 1/2019”.
Con số ấn tượng đó lại hiện ra trong đúng thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, khi mà hàng loạt tập đoàn hàng đầu của Việt Nam như Vin, FLC, Vietjet, Vietnam Arilines… đều báo số lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng và đại đa số doanh nghiệp đều thất bát, thua lỗ.

Trong khi đó, với ngành kinh doanh cốt lõi là thực phẩm, Masan lại đang ăn nên làm ra vì càng ở nhà nhiều, dân chúng càng mua hàng tiêu dùng thiết yếu của Masan.
Chưa kể tập đoàn này còn cung cấp thực phẩm cho nhiều nơi để phòng chống dịch hay dự trữ. Tuy nhiên khác với Vin hay nhiều doanh nghiệp khác, cho đến nay chưa thấy Masan công bố con số đóng góp hay ủng hộ cho cuộc chống Covid-19 của quốc gia!?

Ngay trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều ngành hàng “ngủ đông” thì trong ngành tiêu dùng nhanh, Masan Consumer đạt mức tăng trưởng 22,4% trong quý vừa qua, chủ yếu từ tăng trưởng 59,7% của ngành hàng thực phẩm tiện lợi và tăng trưởng gấp 3 lần của ngành hàng thịt chế biến.

Mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife tiếp tục mở rộng quy mô, đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng trong quý 1, tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm ngoái!
Dự báo kết quả kinh doanh năm 2020, Masan Group đánh giá triển vọng tương lai của tập đoàn được có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro. Mặc dù vậy, Masan Consumer dự kiến sẽ đạt tăng trưởng doanh thu thuần hơn 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số. Điều đó cho thấy, họ vẫn kinh doanh tốt và có lẽ là tập đoàn hiếm hoi làm ăn thuận lợi trong đại dịch Covid-19.

Trong nguy của đại đa số thì cơ hội đã đến với Masan khi mà họ có thêm chuỗi Vinmart và nhu cầu mua hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm tăng nhanh trong dịch bệnh.
Tuy nhiên bài toán Vimart có được giải một cách hoàn hảo, biến lỗ thành lãi hay không thì vẫn còn ở phía trước, nhất là Masan đừng mắc thêm sai lầm nào như vụ nước mắm và không gây thêm tai tiếng mới.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!