N.T.H, 27 tuổi dự tính cưới vợ vào tháng 10/2020 nhưng chưa biết ở đâu ngoài căn phòng trọ bạn bè giới thiệu vỏn vẹn 12m2 ở Quận 12 vì chỉ có thế mới phù hợp thu nhập của hai vợ chồng. Những người như H. ở TP.HCM, Hà Nội và các TP lớn có đến hàng triệu và càng ngày một căn hộ dù nhỏ, dù bình dân càng xa vời.
H. nhẩm tính hai vợ chồng tổng cộng kiếm được 17-20 triệu tháng. Dù có mua nhà giá rẻ thì cũng phải vay ngân hàng phần lớn và dành ra hơn 50% trả nợ. Số còn lại rất chật vật để vừa đủ chi tiêu và có lẽ không dám có con sớm.

Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nơi trên thế giới, lứa trẻ sẽ không thể mua được nhà nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay gói tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng và phụ giúp của cha mẹ.
Nhiều quốc gia cho giới trẻ vay tín dụng theo phương thức tín chấp để mua nhà. Họ có nhà riêng sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, hiện giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp có nhu cầu tạo lập căn hộ nhỏ để sống tự lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ sau mỗi 10 năm, đa phần giới trẻ có thu nhập tăng gấp đôi. Do vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như rất ít bị rủi ro.
Đây cũng đối tượng khách hàng được xem tiềm năng nhất hiện nay, không chỉ cho hiện tại mà còn cả tương lai lâu dài.
Với nhu cầu cao thì việc một chính sách tốt sẽ thu hút giới trẻ mua nhà, đặc biệt là căn hộ giá thấp và sau một thời gian khi thu nhập cao hơn, gia đình thêm người họ sẽ lại tiếp tục hướng đến phân khúc bất động sản cao hơn. Điều đáng chú ý là đa số khách hàng loại này có nhu cầu thực, ít mua đi bán lại hay đầu tư thứ cấp nên thị trường dành cho họ tương đối ổn định hơn.

Theo Luật Nhà ở, hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank được cấp bù lãi suất vay 3 – 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay. Nếu ngân sách cấp 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay 3 – 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 – 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội.
Dòng tiền, nguồn vốn trên sẽ là tiền đề tốt, khả thi cho chính sách mà HoREA đề xuất. Nếu chính sách này sớm ra đời sẽ giải quyết được nhu cầu cho cả chủ đầu tư, người mua nhà và ngân hàng, chưa kể sẽ thúc đẩy nhiều ngành, dịch vụ liên quan và giúp thị trường bất động sản lành mạnh hơn.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!