Đại dịch Covid-19 tuy còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc, về trách nhiệm của các nước, của con người nhưng rõ ràng nó gây ra hậu quả mà không ai, không quốc gia nào có thể lường trước được.
Covid-19 trở thành “kẻ” giết người hàng loạt thời hiện đại. Số lượng người chết nhiều hơn bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại nào. Thậm chí, số người chết do Covid-19 có thể nhiều hơn cả trận động đất Thiểm Tây 1556 (thời Đại Minh, Trung Quốc).
Covid-19 cho thấy mạng sống con người rất mong manh, giá trị sinh mạng con người tại nước giàu hay nước nghèo là ngang nhau. Covid-19 cũng lộ rõ chỉ số an toàn công dân của các quốc gia.
Nó chứng minh một điều, không phải quốc gia giàu, quốc gia văn minh, quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển đồng nghĩa với chỉ số an toàn công dân cao hơn nước nghèo, nước kém phát triển.
Covid-19 khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang trong thời kỳ dũng mãnh nhất cũng phải ngã quỵ, tê liệt. Covid-19 khiến quốc gia có nền y tế hàng đầu thế giới (Mỹ) trở thành nước có số lượng người chết nhiều nhất thế giới.
Covid-19 khiến giá dầu – máy in tiền của nhiều nước (Trung Đông) xuống mức âm – lần đầu tiên lịch sử giá dầu thế giới.
Cơ hội gì cho Việt Nam?
Việt Nam có hàng nghìn km biên giới trên bộ giáp Trung Quốc (quốc gia đầu tiên bùng phát Covid-19) nhưng tỷ lệ người nhiễm rất thấp, không có người chết do Covid-19. Với những thành tích chống dịch hiệu quả, Việt Nam được WHO và cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Việt Nam đã có lợi khi xuất khẩu khẩu trang y tế, xuất khẩu bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 sang cả thị trường EU. Việt Nam cơ bản duy trì được nhịp độ xuất khẩu một số loại hàng hóa ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế được nhiều nước đánh giá cao (thông qua chỉ số tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài hàng năm); trong ứng phó với dịch Covid-19, công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam càng được đánh giá cao hơn, trở thành (được xem) là hình mẫu của một số nước.
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã khiến làn sóng đầu tư nước ngoài chuyển hướng dần sang Việt Nam, thay vì Trung Quốc. Sau đại dịch, dự báo làn sóng này tiếp tục, thậm chí mạnh hơn.
Sau đại dịch, nếu quản lý tốt, ngành du lịch Việt Nam sẽ hưởng lợi rất lớn, và trở thành một trong những ngành có chỉ số tăng trưởng cao theo chiều sâu (chứ không phải tăng số lượng).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã từng nói, chưa cần điều chỉnh bằng pháp luật, đại dịch Covid-19 tự động khiến chúng ta dần thay đổi thói quen trong cuộc sống. Thói quen này tất nhiên theo hướng tích cực, giúp Việt Nam dần trở nên văn minh hơn, và vì thế mà thế giới xích lại gần chúng ta hơn.
Nếu nhìn ở mặt tích cực, nhận diện rõ trong nguy có cơ, đại dịch Covid-19 là cơ hội ngàn năm có một để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển so với thế giới.
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của nhà báo Từ Ngôn Dân
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!