Ngày 9/4, nhiều phụ huynh của trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) ở thành phố HCM đã nhận được thông báo của trường về việc đóng học phí còn lại của năm học 2019 – 2020 (đối với những phụ huynh nào chưa đóng trọn năm học).
Theo đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải đóng đủ 100% tiền học phí của học phần thứ 4 trước ngày 25/4 dù học sinh không được đến lớp, chỉ học online.
Ngay sau khi nhận được thông báo, các phụ huynh đã vô cùng bức xúc và phản đối gay gắt với chính sách thu học phí của trường này. Vậy câu hỏi đặt ra là việc thu học phí của trường có thực sự hợp lí hay không?
“Cái lý” của phụ huynh
Mặc dù nhà trường đã sắp xếp các buổi học online trực tuyến, nhưng chất lượng không thể bằng các em khi đến trường học bình thường. Mặt khác, học trực tuyến chỉ triển khai cho một số môn chính, một số môn học học tự chọn khác như hội họa, bơi lội và các hoạt động ngoại khóa khác không được triển khai. Thời gian học tập online và học ở trường có sự chênh lệch quá lớn.
Chưa kể chất lượng của việc học trực tuyến chưa được kiểm chứng và hoàn toàn không thay thế được học chính khóa. Vì vậy, việc nhà trường không trừ phần tiền đã đóng của học phần trước, không có động thái giảm tiền khi học trực tuyến mà vẫn thu theo mức học phí bình thường là không hợp lí.
“Cái khó” của nhà trường
Đại diện của nhà trường cũng thừa nhận: Dù việc học trực tuyến không đạt được hiệu quả cao bằng việc lên lớp học trực tiếp, nhưng chương trình học tập của học sinh vẫn được duy trì bình thường, kết quả, bằng cấp sau khi hoàn tất năm học vẫn có.
Tất cả nhân viên cũng như đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy của nhà trường vẫn được hưởng lương như bình thường. Vì vậy, việc phụ huynh cần thanh toán tiền học phí đúng thời hạn để nhà trường có thể tiếp tục duy trì hoạt động giảng dạy là một việc làm rất cần thiết.
Mặt khác, nếu như năm học kéo dài đến giữa tháng 7 như đề nghị của Bộ giáo dục và Đào tạo, VAS không thu thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào khác, vẫn dạy đủ thời gian, chương trình như Bộ giáo dục và các bên quy định, kể cả việc học online.
Đồng thời, để hỗ trợ và chia sẻ với khó khăn của phụ huynh, nhà trường có chính sách giảm 10% cho năm học tới khi phụ huynh thanh toán trước ngày 15/5/2020.
Nhận định của Luật sư
Liên quan đến vấn đề này, Ngô Huỳnh Phương Thảo – Phó Giám đốc TAT Law Firm có ý kiến:
Việc thu học phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Về cơ bản, các trường quốc tế, trường tư thục có quyền tự quyết định mức thu học phí và việc thu học phí sẽ được thực hiện theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, học sinh đã phải nghỉ học thời gian dài, vì vậy việc thu học phí sẽ có những thay đổi nhất định, phù hợp với tình hình thực tế. Tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định có quy định:
“Khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiệt hại”.
Bên cạnh đó, ngày 27/2/2020, Sở GD & ĐT TPHCM đã có thông báo hướng dẫn về việc thu học phí trong thời gian nghỉ vì dịch Covid -19.
Theo đó, “trong thời gian xảy ra dịch Covid – 19, các trường công lập, ngoài công lập từ mầm non đến THPT, các trung tâm GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng chỉ thu học phí và các khoản thu khác trong thời gian thực học, học phí không được quá 9 tháng đối với cơ sở giáo dục phổ thông.
Riêng đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh”.
Như vậy, theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Sở GD & ĐT TPHCM thì về nguyên tắc chỉ thu học phí của tháng thực học.
Điều đó có nghĩa là không được thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh Covid – 19; thay vào đó sẽ thực hiện việc thu học phí đối với tháng đi học bù, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa phụ huynh và nhà trường.

Đối chiếu với quy định pháp luật, việc VAS thông báo thu 100% học phí còn lại của năm học trong khi học phí của học phần trước đã được phụ huynh đóng đầy đủ nhưng thực tế học sinh gần như không học là không phù hợp, cũng chưa hợp tình, hợp lý trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Thực tế, việc học online trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời của nhà trường trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Việc học online chỉ có thể áp dụng đối với một số môn chính do đó không thể thay bằng việc học ở trường.
Đây là một vấn đề phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, vì dịch bệnh nên nhà trường tổ chức dịch vụ này để hướng dẫn học sinh học trong thời gian nghỉ dịch.
Vì vậy, chi phí học online là như nào phải do phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu thêm học phí.
Đồng thời các trường phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai. Nhưng thực tế, Trường VAS lại không có sự thỏa thuận với phụ huynh về học phí online, cũng không có sự giải thích về khoản tiền học phí đã đóng trong thời gian học sinh nghỉ dịch là điều bất hợp lí thứ nhất.
Tôi cũng cho rằng: Việc các em học sinh nghỉ học trong thời gian nghỉ dịch không đồng nghĩa với lượng kiến thức bị mất đi. Khối lượng kiến thức là không thay đổi, thời gian học tập của học sinh cũng không bị bớt đi, học chưa xong chương trình thì nhà trường, thầy cô phải có kế học dạy bù và thời gian học sẽ kéo dài hơn so với mọi năm.
Về bản chất, số tiền học phí đã đóng trong thời gian nghỉ dịch có thể được bảo lưu và sử dụng trong thời gian học bù.
Vì vậy, nếu trường VAS muốn tiếp tục thu 100% học phí của học phần 4 của năm học theo đúng kế hoạch đã thông báo đầu năm học thì trong trường hợp này cần phải có sự đảm bảo về chương trình học của các em (kể cả môn phụ và hoạt động ngoại khóa) được hoàn thiện theo đúng dự kiến, trên cơ sở nghỉ thì được bù và có sự đồng ý của phụ huynh.
Điều không hợp lí của chính sách học phí VAS là không những thu học phí như kế hoạch ban đầu không có sự thỏa thuận với phụ huynh mà còn không có sự giải thích rõ ràng về tiền học phí đã đóng nhưng chưa học, hay kế hoạch học bù sẽ được thực hiện như nào, hay thời gian học online có được trừ vào thời gian học chính không? Chính sự không rõ ràng, minh bạch về vấn đề học phí mới dẫn đến sự “phản đối” gay gắt của Qúy phụ huynh.
Trong thời kỳ dịch bệnh, ai nấy cũng đều khó khăn khi thu nhập bị giảm sút, cuộc sống bị xáo trộn. Vì vậy, điều quan trọng là cả phụ huynh và nhà trường đều cần phải thông cảm, chia sẻ và cùng chung tay để vượt qua khó khăn này.
Trên cơ sở đó, các phụ huynh có thể sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành với nhà trường, song nhà trường cần đề cập, xem xét đến chuyện miễn giảm học phí cho năm học này hay tính toán lại khoản phí giữa học online so với học trực tiếp và điều chỉnh mức thu, thời gian cho phù hợp.
Như vậy, cần thiết phải có sự thỏa thuận, thảo luận giữa phụ huynh và nhà trường để cùng giải quyết vấn đề thu học phí.
Trong trường hợp nhà trường không thống nhất, đồng thời vẫn có chính sách thu học phí bất hợp lí, để đảm bảo quyền lợi, các phụ huynh có thể làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng của thành phố để vào cuộc, làm rõ như Sở GD&ĐT TPHCM, UBND TPHCM….., hoặc cũng có thể làm đơn khởi kiện gửi tới TAND TPHCM để được giải quyết.
Bài viết thể hiện Góc nhìn của Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo – Phó Giám đốc TAT Law Firm
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!