Ngày tôi mới nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, niềm vui xen tả những sự lo lắng. Một cô gái 18 tuổi lần đầu rời xa ba mẹ, rời xa quê hương Quảng Nam một mình vào TP.HCM nhập học.
Bây giờ nhớ lại thời điểm ấy, tôi vẫn còn thấy bản thân rất can đảm.
Ngày ấy, tôi may mắn cùng với 100 sinh viên khác được chọn vào KTX Cỏ May – KTX tiếp bước sinh viên nghèo học giỏi. Và rồi, tôi cũng đã đồng hành cùng nơi này được gần 3 năm.
Toạ lạc trong khuôn viên của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, KTX Cỏ May được xây dựng trên tấm lòng thơm thảo của người thầy không bục giảng – doanh nhân Phạm Văn Bên, chủ doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Lai Vung – Đồng Tháp).

Người thầy này có ý tưởng làm giáo dục rất đặc biệt, đó là xây dựng KTX, miễn phí ăn ở cho hàng trăm sinh viên trong suốt 4 năm đại học nếu sinh viên duy trì kết quả học tập tốt.
Tôi xin phép được xưng với doanh nhân Phạm Văn Bên là Bác cho thân mật. Cách gọi này chúng tôi vẫn hay dùng trong KTX mỗi khi nhắc hay nhớ về bác.
KTX Cỏ May đang thi công dang dở thì bác mất do bệnh. Bác chưa kịp nhìn thấy “đứa con tinh thần” của bác ra đời.


Năm 2016, KTX Cỏ May chào đón thế hệ F1 của KTX. Bây giờ những anh chị này có người đã ra trường, tốt nghiệp loại giỏi, tìm được công việc ổn định, người thì cũng chuẩn bị tốt nghiệp đại học.
Bác Bên qua đời, anh Phạm Minh Thiện, con trai bác Út Bên tiếp nối sự nghiệp trồng người đặc biệt từ người cha quá cố của mình.
Anh Phạm Minh Thiện, con trai út của bác Bên, đã nói : “Gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục tâm nguyện của ba là chọn sinh viên vào ở ký túc xá trong suốt thời gian đi học, lo tiền ăn, cấp học phí ,học kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học… và các hoạt động ngoại khoá khác để giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tế. Sinh viên trong ký túc xá Cỏ May cùng nhau hứa sẽ học hành đàng hoàng và cố gắng rèn luyện thành người tử tế giúp ích cho xã hội, cho đất nước… Các em đã cho anh một động lực phấn đấu đến hôm nay”.

Tâm nguyện của bác Bên trước khi mất gửi gắm lại cho các sinh viên kí túc xá. Sau này chúng tôi được nghe những thầy cô thân cận bên bác kể lại: “Bác mong sau này khi tốt nghiệp, các con quay về Đồng Tháp thắp cho bác một nén nhang, không cần báo đáp gì cả”.
Tôi đã từng tìm hiểu về nhiều người làm giáo dục, nhưng cách làm của bác Bên đã khiến tôi rất khâm phục. Không trực tiếp dạy dỗ nhưng tấm lòng của bác đã giúp đỡ cho rất nhiều sinh viên nghèo chạm đến cánh cửa đại học và hiện thực hoá ước mơ của mình, trong đó có cả tôi.

Ngày 7/4 hằng năm là ngày giỗ của bác. Mọi năm sinh viên trong KTX sẽ tụ họp để tưởng nhớ về người thầy đặc biệt này, nhưng năm nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên sinh viên chỉ có thể tưởng nhớ trong “tâm”.
Bài viết này của tôi cũng như một cách để tôi tưởng nhớ về người. Bác như người cha thứ hai của tôi và KTX Cỏ May không khác gì gia đình thứ hai của tôi.

Tôi cảm ơn bác rất nhiều. KTX Cỏ May, các dì, các cô trong BQL KTX và những thành viên của đại gia đình Cỏ May là điều tuyệt vời nhất của tôi trong những năm tháng đại học.
KTX có những người yêu thương tôi, là môi trường để tôi rèn luyện và phát triển, hơn cả đó còn là nơi tôi nhìn thấy rõ tấm lòng thơm thảo của bác Bên.
Dù Bác đã mất nhưng những lời dạy của Bác vẫn còn mãi trong tim chúng tôi. Các thế hệ sinh viên vẫn ngày ngày rèn đức luyện tài để trở thành những người có ích cho xã hội, để bác an lòng nơi chín suối.

Cảm ơn Bác – một người “cha” đặc biệt của các con tại KTX Cỏ May.
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của Kim Tuyến (ĐH KHXH&NV TPHCM)
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!