Tòa án nhân dân TP.HCM vừa ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (Saplastic – SPP). Quyết định được đưa ra khi tòa án xét thấy có các căn cứ chứng minh công ty mất khả năng thanh toán.
Trước khi nhận được quyết định “đau đớn” này, SPP cho biết đang làm việc với đối tác là Tập đoàn PHI Group, Inc của Mỹ để thu hút vốn đầu tư, với phương án dự kiến bán 51% vốn và thu về khoảng 50 triệu USD. Với số tiền thu được, Công ty dự sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng.
Nhưng đến nay chưa kịp bán vốn để cân đối dòng tiền, SPP phải đối mặt với bản án phá sản do mất thanh khoản hoạt động.

Theo BCTC gần nhất quý 3/2019, SPP có tổng tài sản 1.171 tỷ đồng, tổng vay nợ tài chính hơn 738 tỷ đồng. Công ty thua lỗ gần 3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn có hơn 27 tỷ đồng trên vốn điều lệ 251 tỷ đồng.

SPP là một tên tuổi khá lớn và nổi danh trong ngành bao bì Sài Gòn. Họ từng đi đầu công nghệ mới với hàng loạt khách hàng tên tuổi Vinamilk, Nestle, Vifon, IDP, Nutifood, Masan…

Từ những năm 2004-2009 SPP chiếm được ưu thế trên thị trường, và là đối tác của hàng loạt khách hàng lớn như Acecook, Nestle, VinaCafe… Đặc biệt, SPP còn tạo được tên tuổi với mặt hàng túi nhỏ Vinacafe, sản phẩm lúc bấy giờ chưa có thương hiệu nào trong nước sản xuất được.
Năm 2007, SPP chính thức chuyển đổi thành CTCP với 2 cổ đông chiến lược là Vietnam Holiding và Chứng khoán BIDV, năm 2008 SPP chính thức chào sàn HNX và liên tục tăng vốn hoạt động. Ghi nhận, Công ty đã tăng vốn từ mức 35 tỷ (năm 2009) lên 420 tỷ đồng.
Năm 2013, SPP mở rộng đầu tư với sản phẩm đặc thù túi đun quá nhiệt (Retort bag) cho các khách hàng tên tuổi như Vifon, Vinamilk, Masan; màng nắm cốc sữa cho Mộc Châu, Vinamilk… Những sản phẩm mang tính cạnh tranh đem lại doanh thu và vị thế cho doanh nghiệp, song mặt ngược lại đây cũng là năm SPP bắt đầu khó khăn về nguồn vốn.

Bên cạnh đó, hàng loạt ông lớn cùng ngành bắt đầu nổi lên với tiềm lực vốn kinh khủng hơn. Rồi các đại gia ngoại nhảy vào, sẵn sàng chịu lỗ ban đầu để cạnh tranh đến cùng và chiếm thị phần càng khiến cho SPP ngày càng khó khăn chồng chất.
Cuối cùng điều phải đến đã đến. SPP đang nợ quá hạn 644,5 tỷ đồng, bao gồm vay 399,5 tỷ từ BIDV – CN Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 50 tỷ từ Agribank – CN Phú Nhuận, 35 tỷ từ BIDV TP.HCM, 30 tỷ từ Ngân hàng TNHH Indovina – CN Chợ Lớn và 129,9 tỷ từ Ngân hàng TMCP Quốc dân – CN Sài Gòn…

Theo nhiều chuyên gia tài chính, “cú ngã” của SPP rất đau nhưng nên xem là quy luật đương nhiên trong kinh tế thị trường và cạnh tranh gay gắt. Việc một đại gia hôm nay huy hoàng ngày mai ngã ngựa cần được xem là điều bình thường và là bài học cho các doanh nghiệp, kể cả khác ngành.
Điều này cũng tốt cho cả SPP nếu họ còn có thể đứng dậy sau cú ngã này. Làm lại từ đầu hoặc thất bại đau đớn bao giờ cũng khó khăn nhưng không có nghĩa là xuôi tay chấp nhận.

Nếu không có những bài học như của SPP thì nhiều doanh nghiệp khác sẽ vẫn ngủ quên trên chiến thắng hoặc không đánh giá hết những nguy cơ tiềm ẩn. Còn chủ quan và khinh địch, doanh nghiệp sẽ còn thất bại và có khi trả giá bằng chính sự sống còn của mình.
Ngược lại xem SPP là kinh nghiệm mổ xẻ thấu đáo và rút ra những điều cần tránh thì doanh nghiệp chỉ có mạnh và vững vàng hơn.
Trong nguy bao giờ cũng có cơ và ngược lại, đó là quy luật muôn đời của kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!