Nhận định rằng đây là thời điểm trầm lắng và khó khăn nhất của các doanh nghiệp bất động sản trong nhiều năm qua, VARS kiến nghị Chính phủ đưa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước đã phê duyệt, vì nhóm này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Với việc ngân khố quốc gia đang gồng mình cho các gói an sinh xã hội, kích thích kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp thì việc đưa các doanh nghiệp vào nhóm này chắc chắn sẽ được cân nhắc rất kĩ càng.
Nhóm này cũng phải là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và cấp thiết với dân chúng nên để được nhiều hơn những gì đã có cũng như một số chính sách miễn giảm mới đây thì cực kì khó cho giới bất động sản.

VARS cũng đề nghị Chính phủ nên có hướng hỗ trợ trực tiếp, thực chất hơn cho các sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản, như hoãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Sau đó, các doanh nghiệp này sẽ hoãn tiền thuê đất cho các sàn giao dịch bất động sản thuê lại mặt bằng.
Đồng thời, cho phép doanh nghiệp hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau hết dịch 12 tháng để có thêm nguồn hỗ trợ, trả lương cho người lao động, cũng như hỗ trợ để tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động.
Nhiều đề nghị trên đã nằm trong các hỗ trợ, miễn giảm chung nên doanh nghiệp nào hội đủ điều kiện có lẽ sẽ dễ dàng nắm bắt và được giải quyết như các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác.

Theo VARS, phân khúc bất động sản cao cấp có lượng hàng tồn kho ở mức cao nhưng ít phù hợp nhu cầu trong nước, trong khi rất hợp với người nước ngoài. Với lý do này VARS đề xuất “Nếu được mở rộng tỉ lệ cho người nước ngoài mua nhà ở tại những dự án phân khúc cao cấp, sẽ góp phần tăng tính thanh khoản, giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản”.
Có lẽ đây là đề xuất sẽ được xem xét nghiêm túc và dễ dàng chấp thuận hơn các đề xuất còn lại vì nhu cầu nhà ở của người nước ngoài ngày càng gia tăng trong khi luật, quy định vẫn còn nhiều vướng mắc.
Hiện nay lượng tồn kho lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản là phân khúc cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Do đây là hai phân khúc hút dòng tiền nhanh và nhiều nhất trong thời gian đầu nên họ đổ xô vào đầu tư.

Mấy năm gần đây cả hai phân khúc này hoặc chững lại hoặc gần như đóng băng như bất động sản nghỉ dưỡng đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao chứ không cần chờ đến đại dịch Covid 19. Kể cả khi Chính phủ hỗ trợ thì cũng khó giải quyết “cục nợ” này trong thời gian ngắn nếu không xoay chuyển theo hướng khác.
Hiện nay phân khúc căn hộ giá trung bình, thấp và nhà ở xã hội luôn hút khách và đắt hàng nhưng lại khan hiếm do lợi nhuận thấp, thủ tục khó khăn nên ít doanh nghiệp mặn mà. Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, nhu cầu thật sẽ cao hơn mua đầu tư thì các doanh nghiệp cần tính toán lại và chú trọng vào phân khúc này nhiều hơn.

VARS cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phát triển bất động sản nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội.
Đây là phân khúc luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và luôn có tỉ lệ hấp thụ cao, cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.
Tôi nghĩ đó là hướng đi cần và đúng trong vòng 2,3 năm nữa khi thị trường bất động sản đã bão hòa phân khúc cao cấp, nếu không muốn nói đang quá dư thừa.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!