Yêu cuộc sống bình thường
Những ngày gần đây sáng ngủ dậy không cần vội vã nữa, không cần phải gào thét lôi con dậy tống chúng đến trường, rồi ù té chen nhau giữa dòng xe dày đặc để đến công ty.
Đến công ty xô nhau ào ào vào thang máy lên tầng, có khi giày cao gót kẹt cứng vào thang cuốn phải gỡ thấy bà, vừa gỡ vừa nhục vừa chửi tổ xư cái hãng Louboutin làm gót giày bé tí đúng lọt vừa cái khe.
Có khi đi sớm thoải mái đứng nhìn quanh xem hôm nay ai mặc váy đẹp? Có khi chạy muốn sút quần ngang qua bảo vệ “em thấy sếp vào chưa?” rồi cắm đầu lao vô phòng họp.
Cuộc sống cũ đâu rồi?
Có đôi khi chúng ta phải tri ân những ngày tháng hôm nay, vì cho chúng ta thấy giá trị của một cuộc sống bình thường với bon chen vội vã.
Buổi sáng bây giờ, vẫn thức dậy trang điểm nhẹ, mặc áo có cổ đẹp (quần không quan trọng) để họp video conference.
Những cuộc họp qua skype, zoom, facebook chỉ thấy mặt nhau, thậm chí có đôi khi chỉ nghe tiếng không thấy hình. Quần áo đẹp để làm gì? 100 màu son để làm gì? Giày đẹp đế đỏ đế đen để làm chi?
Chúng ta đến tận cùng rồi cũng trở về ngày xưa, khi cúp cua hay thầy cô bệnh được nghỉ tiết thì thích, nghỉ hè thì chán.

Những con phố buồn. Con người đứng cách xa nhau không khoác tay nắm áo như ngày xưa.
Còn đâu những buổi trưa đồng nghiệp rầm rập ào lên taxi đi ăn, lên xe giọng rất hèn “anh ơi chở bọn em đi gần, em gửi thêm tiền”. Ăn xong có khi tranh thủ shopping mua ít quần áo mỹ phẩm rồi mới về lại văn phòng trên những bước chân sang như sàn catwalk.
Thành phố như ma tối đen im lặng. Còn đâu những vỉa hè sáng choang long lanh của thành phố không ngủ, nhắm mắt lao đường cũng đụng quán ăn. Một thành phố hào phóng chứa đựng cả người giàu lẫn người nghèo, ai cũng có cách kiếm tiền để sống qua ngày.
Bệnh dịch này, với những người có thể chuẩn bị sẵn chắc cũng không khó khăn lắm, nhưng còn bao mảnh đời cay đắng xót xa. Bởi vậy chỉ mong rằng ngân sách tập trung giúp người nghèo, để họ không quá bế tắc giữa những ngày tháng này.

Ai rồi cũng sẽ bị ảnh hưởng thôi, nhưng ở một góc độ tích cực nhất thì bệnh dịch chính là phép thử, để nhìn thấy cái tâm con người và cách hành xử; để chúng ta quý trọng hơn những ngày tháng căng thẳng cũ. Bản thân mình biết bao lần muốn thoát ra khỏi nó nhưng thoát ra bằng cách này, thiệt không cam tâm!
Ước gì nhanh được quay trở về những ngày xưa, bước chân ra đường va phải bà bán cơm sườn, lượn phát té vào bà bán xoài muối ớt, đói bụng sà vào hàng chè ăn vặt. Sáng ra thấy ánh mắt mụ hàng xóm căm hờn nhìn con quỷ là mình đi làm ăn mặc như đi nhảy. Vào văn phòng cả đám ùa đến “hôm nay chị xài son gì đẹp thế?”
Những bước ngoặt cuộc đời, dù xấu xa nhất, cũng dạy ta những bài học.
Thôi thì tranh thủ thời gian ở nhà chăm sóc nhà cửa, chăm sóc bản thân và kết nối gia đình. Rồi bệnh dịch sẽ qua chỉ còn trong ký ức về những ngày tháng có thời gian cho gia đình mà không phải áy náy với công việc. Được lúc nào yêu lúc đấy!
Cố lên nào, rồi chúng ta sẽ lại đi làm và đẹp như xưa!
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của chuyên gia truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!