Tòa cụm AH của khu ký túc xá (KTX) ĐHQG TPHCM được trưng dụng làm nơi cách ly phòng chống dịch Covid-19. Một nữ du học sinh Mỹ đã có lời chê bai khu KTX này bẩn, không như trên mạng và đòi qua khu resort khiến dư luận… dậy sóng.
Loạt ảnh chụp bài đăng chê bai cơ sở vật chất khu cách ly ký túc xá ĐHQG TPHCM của một nữ du học sinh Mỹ thu hút sự quan tâm, nhất là các diễn đàn của sinh viên.


Nữ sinh này chụp khung cảnh trong phòng KTX và mô tả nơi này bẩn với những từ ngữ như: “kinh khủng khiếp thật sự, không biết sống sao, không dám đụng vào cái gì trong phòng”. Nữ sinh cũng cho rằng, những hình ảnh thực nơi đây không giống “hình ảnh review trên mạng”.
Để khắc phục tình hình, nữ du học sinh này phải nhờ tới hai nam sinh ở phòng khác qua dọn dẹp giúp. Cô chỉ dành lời khen cho thái độ các nhân viên điều dưỡng tại khu cách ly.
Nữ sinh này nhắn tin tâm sự với bạn. Cô bày tỏ muốn xin được chuyển qua khu cách ly ở resort giống bạn vì “ở đây thêm giây phút nào nữa chắc không sống nổi”.
Thái độ của nữ du học sinh nhanh chóng vấp phải nhiều chỉ trích của cộng đồng sinh viên ĐHQG TPHCM và nhiều dân mạng.
Ngay sau khi bị “ném đá”, nữ sinh đã đăng stt xinh lỗi và giải thích là do sợ ma, tưởng KTX bỏ hoang.

Nguyễn Hoàng Anh, một cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV TPHCM, từng ở KTX ĐHQG TPHCM đã gửi tâm thư “đáp trả” lại những ý kiến của nữ du học sinh. Lời lẽ của nam sinh khá nhẹ nhàng, sâu lắng, được các nữ sinh hưởng ứng vì cho rằng: “ngọt ngào đến chết người”.
“Này em, hàng chục ngàn người đã nuôi ước mơ của mình ở đó và thành công!
Phải thừa nhận, nơi này không thể so sánh được với nơi em đang theo học bởi chi phí một năm ở đây chắc chỉ bằng một bữa ăn của em ở Mỹ.
Nếu so sánh thì đó là sự so sánh khập khiễng.
Nhưng em ơi, đất nước mình còn nghèo, cha mẹ hàng chục ngàn sinh viên ở đây cũng nghèo. Họ đa số là nông dân, họ cho con đến Sài Gòn, lao vào những cuộc bon chen để cố sống, cố nuôi ước mơ thoát nghèo của cả một gia đình, thậm chí mấy đời ông cha đã trải.
Em chắc chắn không phải được sinh ra trong một gia đình giống họ. Em may mắn hơn, nhung lụa và cao sang hơn nên có thể em không hiểu được, những đứa trẻ quê đậu đại học, vác ba lô lỉnh kỉnh lên Sài Gòn chở theo điều gì.
Nói để em hiểu, hàng chục ngàn con người đó và cả anh ngày xưa, rời quê nghèo đến cái đất đô thị này, đôi khi thèm một tô phở tái nạm còn phải hùn tiền để mua, ăn hủ tiếu gõ đợi đến tháng mới có tiền để trả…
Vậy nên được một chỗ ở như KTX để an tâm mà học tập đã sung sướng vô bờ bến.
Bọn anh ngày đó, coi KTX là thiên đường, là nơi lưu giữ những khoảnh khắc ngọt ngào nhất của một thời tuổi trẻ – sinh viên hào sảng, khát khao.
Có đứa tốt nghiệp rời đi mà rớt nước mắt với cái giường, cái chiếu… đã quá đổi quen thuộc suốt ngần ấy năm gắn bó khó nhọc.
Có đứa tốt nghiệp đi làm, vẫn xin trốn ở lại vì quen quá không muốn xa…
Đấy, nơi em vừa chê bẩn, vừa không dám động đến bất cứ thứ gì đã từng nuôi dưỡng hàng chục ngàn sinh viên, từng gánh nhọc nhằn, khát khao và mơ ước của bao thế hệ như thế.
Với em là bẩn thỉu nhưng với bọn anh, với những người đi lên từ nghèo khó đó là thiên đường.
Bọn anh được dạy phải mang ơn, phải lưu giữ những gì đẹp nhất ở đây – còn em, có lẽ vì sống ở ngoại quốc đã lâu nên… uống nước quên nguồn phải không?

Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!