Theo nguồn tin của chúng tôi, Sở Xây dựng TP.HCM vừa hoàn chỉnh dự thảo về các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn để TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp và nhất là người mua nhà chờ đợi nhất là những dự án có phần đất do nhà nước trực tiếp quản lý xen cài trong dự án nhà ở, sở kiến nghị tháo gỡ theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính. Theo đó, đối với quỹ đất có diện tích dưới 1.000 m2 nên giao cho chủ đầu tư dự án.
Đối với quỹ đất có diện tích từ 1.000 m2 trở lên, kiến nghị cho thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất với diện tích tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho nhà nước quản lý, sử dụng.
Thời gian qua do vướng mắc không biết giải quyết thế nào cho đúng quy định nên nhiều dự án có đất công xen kẽ, dù chỉ vài trăm m2 trong dự án hàng chục ngàn m2 cũng đã bị tuýt còi, không thể làm sổ hồng, sổ đỏ cho người mua nhà.
Khó khăn này đã dẫn đến kiện cáo kéo dài, thậm chí căng băng rôn tố chủ đầu tư hết năm này qua năm khác ở hàng loạt dự án. Hy vọng nếu được Chính phủ đồng ý, tình trạng trên sẽ sớm được giải quyết.
Sở Xây dựng còn dự định kiến nghị Thủ tướng phương án: “Diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở“.
Nếu phương án này được chấp thuận, với 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực, kiến nghị cho TP.HCM được thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015 của Chính phủ.
18 dự án còn lại, TP.HCM hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Như vậy ít nhất 20 dự án đang dang dở sẽ có đủ cơ sở pháp lý để khởi động lại và tiếp tục đưa ra thị trường nguồn cung khá lớn..
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị, đối với 58 dự án mà 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa công nhận chủ đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận đầu tư nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhà đầu tư sẽ thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Những kiến nghị, đề xuất trên là điều mà nhiều chủ đầu tư đã mong chờ từ 2018 do đã đổ hàng chục ngàn tỷ vào nhiều dự án nhưng xây không được, bán không xong do vướng các thủ tục pháp lý phát sinh.
Vướng mắc này cũng đẩy hàng ngàn người đã và đang mua nhà “tiến thoái lưỡng nan”, nảy sinh tranh chấp dai dẳng giữa hai bên. Hy vọng văn bản đề nghị hướng giải quyết của TP.HCM sẽ sớm được xem xét và thông qua để thị trường BĐS nhiều nguồn cung, pháp lý rõ ràng và lành mạnh hơn.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!