Đến cuối tháng 10/ 2019, toàn TP.HCM chỉ có 2 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018!
Đây là tình trạng “tồi tệ” nhất trong vòng 10 năm qua theo đánh giá của một CEO tập đoàn BĐS lớn!
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – HoREA cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Nút thắt và ách tắc lớn nhất hiện nay là dự án có nhưng phê duyệt rất lâu nếu không muốn nói là dừng lại đại đa số do e ngại trách nhiệm sau hàng loạt vụ án, thanh tra liên quan đến BĐS trên toàn TP.
Nhiều DN lớn cả năm không có một sản phẩm mới nào đủ điều kiện, thủ tục pháp lý để bán ra, buộc phải “xào xáo” lại các sản phẩm của hay phát triển dự án tại các tỉnh thành để tồn tại. Novaland cùng với Hưng Thịnh là hai ví dụ điển hình nhất.
Nhiều dự án khác lẽ ra đã mở bán hoặc khởi công nhưng bị dừng lại do dính các thủ tục bán chỉ định, không qua đấu giá trước đây. Đây lại thường là những dự án có vị trí đắc địa, DN đổ vốn khá lớn và thị trường chờ đợi, kỳ vọng đem lại doanh thu lớn cho DN. Tập trung nhiều nhất ở khu Thủ Thiêm , Q.2, nơi có dự án Water Bay mà Novaland đang cầu cứu.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho biết, tính đến tháng 10/2019, đã có 60 dự án hoàn tất các thủ tục; 12 dự án đã được cấp phép xây dựng; 17 khu đất đang cấp giấy chứng nhận đầu tư; 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch và làm các thủ tục liên quan, một số dự án còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Ngoài ra, ông Thắng cũng thông tin thêm, cơ quan này đã trình 32 dự án được phép chuyển đổi từ đất lúa sang đất dịch vụ và đang lập thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng.
“Nếu trước đây làm dự án theo trình tự gửi ra các bộ, ngành Trung ương thì mất khoảng 2 năm, bây giờ Chính phủ đồng ý phân cấp cho TP.HCM thì thủ tục chỉ mất khoảng 6 tháng”, ông Thắng cho biết.

Cuối tháng 12/2019, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng đã chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu xây dựng cụ thể quy trình triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định đối tượng tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án nhà ở trên địa bàn Thành phố đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Như vậy ách tắc đã lộ rõ và chủ trương tháo gỡ cũng đang có, giờ đây chỉ còn là việc làm thế nào để mọi thứ đúng luật, đầy đủ quy trình và không vướng mắc pháp lý để dự án được triển khai, khởi công và mở bán.
Nói cách khác thì những tiếng kêu cứu, đề nghị tháo gỡ khó khăn cũng phần nào có tác dụng trong tình hình BĐS giảm sút và thiếu nguồn cung như hiện nay.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!