Theo Matthew Pike, một người chuyên viết về du lịch gốc Canada, anh từng đi qua nhiều nơi trên thế giới, trong đó có nhiều địa danh ở Việt Nam, văn hoá uống bia của người Việt khiến anh cảm thấy hết sức thú vị. Tuy nhiên, nhìn nhận về văn hoá uống bia của người Việt Nam, có thể thấy có những góc nhìn, ý kiến trái chiều về việc hô to “một hai ba dô” khi uống bia.
Trước khi nói sâu về việc thích hô to “một hai ba dô” khi uống bia, thử nhìn lại một số điểm về cách uống bia của người Việt Nam.
Người Việt thích tụ tập uống bia
Việc tụ tập cùng nhau uống bia của người Việt Nam, theo Matthew Pike là một nét văn hoá mang đậm tính cộng đồng. Chỉ cần một ít mồi nhậu đơn giản, vài cái ghế và một cái bàn, người Việt Nam có thể ngồi cùng nhau và “lai rai” chuyện trò rôm rả. Rất ít khi thấy cảnh người Việt Nam đi uống bia một mình.

Người Việt Nam thích uống bia lạnh hơn là bia nóng, hoặc không đá
Hiếm thấy trường hợp người Việt Nam uống bia mà không cho vào ly vài viên đá, hoặc ướp lạnh trước khi uống, ngay cả khi trời đang lạnh. Đá lạnh luôn có sẵn tại các quán bia, quán nhậu và luôn cung cấp miễn phí cho khách ngay khi được yêu cầu.
Một cuộc khảo sát từ Q&Me cho thấy, 75% người Việt Nam trả lời cho thêm ít đá vào ly khi được hỏi có uống đá không. 79% cho biết họ thường xuyên uống bia với đá và 70% cho rằng uống bia mất ngon khi không có đá.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc uống bia với đá của người Việt như yếu tố thời tiết (Việt Nam đa phần là nắng nóng quanh năm ở một số địa phương), về vị của bia.. và dần dần trở thành một thói quen. Tuy nhiên, có một lý do nữa là việc có đá trong ly sẽ giúp người Việt Nam dễ dàng cụng ly và lắc kêu mỗi khi uống bia kiểu “100 phần trăm”.
Người Việt Nam uống bia thích hô “một hai ba dô”
Cụng ly côm cốp và cùng nhau hô “một hai ba dô” là điều rất thường thấy ở các quán nhậu, quán bia ở Việt Nam. Thay vì ở một số quốc gia, họ chỉ đơn giản nâng ly lên và nói “cheer”, thì ở Việt Nam mọi người thường hay cụng ly vào nhau, có khi cùng đứng lên và hô tô nhịp nhàng “một hai ba dô” vô cùng vui vẻ.
Một điều thú vị nữa là ở người Việt Nam thường hay so nhau mức bia uống trên bàn nhậu. Cụng với nhau có thể nói thêm những câu như “trăm phần trăm, 50 phần trăm”, với ngỏ ý cùng nhau uống hết ly bia hoặc phân nửa. Theo cây viết người Canada thì đây cũng là một nét thú vị của người Việt Nam khi uống bia.
Tuy vậy, trên thực tế, một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam và đại bộ phận người Việt Nam cho rằng đây không phải là một nét văn hoá đẹp, thậm chí, nói theo GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, uống bia mà cứ cụng ly rồi hô to “một hai ba dô” là hành vi vô văn hoá, đi ngược lại nét văn hoá ẩm tửu của người Việt từ lâu nay.
“Cái kiểu uống ừng ực cả cốc rượu rồi cùng nhau dzô dzô để uống, là một hành vi vô văn hóa. Mới đây tôi có dự một bữa tiệc, tôi thấy người ta hô nhau dzô dzô. Tôi mới bảo, nếu còn tiếp tục hô như thế, tôi sẽ bỏ về. Đây là một cử chỉ vô văn hóa. Phản cảm nữa là có những đoàn công tác ra nước ngoài, tụ tập ăn uống rồi hô dzô dzô ở nước bạn. Tôi mà ở trong những cuộc đó là sẽ bỏ ra ngoài”, GS Hoàng Chương chia sẻ.
GS Hoàng Chương cũng cho rằng “đừng lấy rượu ra đo độ anh hùng, sĩ diện, oai phong trên bàn tiệc. Đầu năm, cuối năm, có thể tiệc tùng gặp gỡ, uống một vài chén rượu, nhưng đừng vì thế mà sa đà, không điều khiển được hành vi, hủy hoại sức khỏe chỉ vì những phút vui không kiểm soát”.
Trên là một số nhận xét về văn hoá uống rượu của người Việt Nam mình. Bản chất bia, rượu chắc chắn là không xấu, mà nói như cổ nhân, chén rượu còn được nâng lên hàng “tiên tửu, lễ tiết”. Tuy nhiên, cách uống bia, uống rượu hiện nay có lẽ cần nhìn nhận nhiều.
Khi mà ở Việt Nam, một đứa trẻ mới 14 tuổi đã biết cầm ly bia thì chúng ta chắc chắn cần xem lại về “văn hoá bia rượu” của mình.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!