Nhập tịch hôm 22/12, em Boo còn đang chờ được cấp AOC (chứng chỉ khai thác tàu bay) để chính thức vận chuyển hành khách từ đầu tháng 1/2020, đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao của người dân trong dịp tết Nguyên đán. Từ nay tới hết tháng tháng 1/2020 hãng này sẽ nhận 4 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner nữa.
Làm hàng không, nhất là hãng mới, sự kiện nhận tàu bay luôn là sự kiện đặc biệt quan trọng. Nhìn thấy chiếc máy bay chuẩn bị đáp trên đường băng, mới tinh, cờ đỏ sao vàng rực sáng trên mũi tàu, khi gần đáp, phi công còn chơi “cú đúp” nghiêng cánh chào, dân tình cầm cờ hoa đứng dưới sân sướng phát rồ, hệt như bọn trẻ con nhìn thấy thần tượng K-Pop.
Hồi đầu mới theo hàng không, đi các sự kiện nhận tàu bay, mình thấy chủ hãng rồi nhân viên, tiếp viên, đội mặt đất, sân đỗ chạy ra chạy vào, seo phi các kiểu trước và sau khi tàu đỗ, cứ thấy buồn cười. Cho tới khi dần dần hiểu được cái cảm xúc đặc biệt đó, nó vừa hãnh diện lại vừa tự hào, lại vừa nhà quê như kiểu mình đã mua được một thứ mà cần phải khoe cho cả làng biết vậy.
Hôm em Boo về Việt Nam, trời rét như cắt, gió thổi ầm ầm và nền trời thì xám xịt. Bam là tân binh, chưa có nhiều kinh nghiệm đón tàu, vòi rồng gió quá, phun mãi hai vòi mới chập vào nhau được, chưa kể trên sân đỗ có cái Jetstar to đùng chẳng biết vô tình hay hữu ý cứ lừng lững ở đó khiến phóng viên ảnh kêu rầm trời vì ko chọn được góc đẹp khoe Boo. Lúc ấy đã buột miệng nói đùa: em Boo oách phết, được đặt tên Hạ Long Bay nên thơ, về tới nhà thì mưa tha hồ lộc lá nhưng mà chắc sẽ gặp lắm thị phi đây, đẹp là hay bị ga tô lắm.
Nói đùa cho vui nhưng mà chắc độc miệng nên mới được dăm ba ngày đúng là em Boo gặp khẩu nghiệp thật.
Bị đặt nghi vấn bao hãng lớn xếp hàng chờ nhận Boeing 787 – 9 Dreamliner còn chưa có mà hãng bé xíu mới bay như Bamboo vừa đặt hàng lại được giao luôn, rồi gần như ngay lập tức tra được mã số nhà sản xuất và rầm rầm mạng xã hội chia sẻ “thuyết âm mưu” Bamboo được Hải Nam Airlines “nhường” cho chiếc Boeing 787- 9 Dreamliner này vì theo mã số nhà sản xuất, “em Boo” nằm trong danh sách đơn hàng 30 chiếc mà Hải Nam Airlines đặt từ năm 2015. Rồi lại có tin phải chăng Hải Nam Airlines chính là cổ đông ngoại, “đối tác chiến lược” sẵn sàng mua cổ phiếu của Bamboo Airways với giá 160.000 đồng?
Khổ thân em Boo thật, “từng” nằm trong đơn hàng của một hãng hàng không lớn nhưng giờ lại thuộc về một tân binh trên thị trường hàng không Việt Nam, chẳng phải ẩn số gì ghê gớm cả, trên thị trường hàng không, nó đôi khi chỉ giản đơn là hãng kia khó khăn hoặc thay đổi mục tiêu chiến lược, thay đổi kế hoạch kinh doanh nên cho thuê lại hoặc bán lại. Nó chẳng khác gì việc đặt mua cái nhà nhưng chưa nhận thì bán sang tay cho người khác.
Đại diện Boeing cũng đã chính thức lên tiếng xác nhận: 4 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner BamBoo Airways sẽ nhận từ nay tới hết tháng 1/2020 có 2 chiếc được bàn giao mới theo thỏa thuận giữa Boeing và Bamboo Airways.
Lễ ký kết thỏa thuận mua máy bay giữa Bamboo Airways và Boeing từng được thực hiện dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước là Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 2 tàu bay còn lại được Bamboo Airways đặt thuê từ GE Capital Aviation Services (GECAS) – công ty cho thuê máy bay lớn bậc nhất thế giới của Mỹ.
Trong tương lai, Bamboo Airways xác định Boeing 787-9 Dreamliner là dòng máy bay chủ lực trên phần lớn các đường bay xuyên lục địa kéo dài trên 5 tiếng mà hãng này đang nghiên cứu triển khai như Séc, Đức, Úc, Mỹ…, và các thị trường tại Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tại sao BamBoo Airways chọn tàu bay thân rộng làm trụ cột chính của hãng, đơn giản là bởi sau gần 1 năm cất cánh, hãng này đang thành công ở phân khúc khách hàng trung- cao cấp, những khách hàng không quá quan tâm tới giá vé mà quan tâm tới chất lượng dịch vụ và đúng giờ là hàng đầu. Phân khúc khách hàng này sẽ ngày càng gia tăng cùng với xu hướng tầng lớp người giàu, trung lưu ở Việt Nam và khu vực được dự báo là tăng cao trong thập niên tới.
Lỗ lãi là chuyện hãng phải tính toán, ở góc độ người tiêu dùng thì rõ ràng việc tàu bay thân rộng được đưa vào khai thác khách hàng sẽ có thêm lựa chọn khi di chuyển, năng lực của ngành hàng không cũng được nâng cao.
Ở góc độ người đi tàu bay ở tần suất cao, mình tin rằng em Boo khi được đưa vào khai thác sẽ làm hài lòng hành khách thôi vì bay máy bay to kể cả đường ngắn hay dài đều khoẻ và thoải mái, dễ chịu hơn nhiều máy bay nhỏ, an toàn thì như nhau cả thôi, đã cất cánh là đạt chuẩn an toàn rồi, máy bay khác ô tô, xe đò ở chỗ có cả một Hiệp hội an toàn hàng không thế giới và tàu nhỏ hay to đều phải được cấp chứng chỉ an toàn mới đủ điều kiện bay lên trời.
Nhưng nghĩ vẫn thấy tội cho em ấy vì thị trường hàng không tuy đã mở cửa và có cạnh tranh nhưng chưa thực sự cạnh tranh lành mạnh, hết thị phi này, rồi em sẽ có thể gặp thị phi khác, chỉ vì em là của một tân binh mới toe trên thị trường, cá lớn chơi cá bé, ma cũ chèn ép ma mới, âu cũng là cái liễn, phải chấp nhận thôi em.
20 năm trước, hồi còn là phóng viên quèn, mình là một trong số ít người lên tiếng đầu tiên để ủng hộ Viettel trong cuộc chiến độc quyền viễn thông. Khi đó, mấy ông anh lớn Vinaphone, Mobiphone thuộc VNPT chỉ ho khẽ một cái là ông em Viettel có nguy cơ teo luôn.
Điển hình là chiêu chặn cuộc gọi ngoại mạng, ai đời dùng số Viettel chỉ gọi được cho nhau còn gọi ra mạng khác là cứ tút ngắn không liên lạc được. Mình từng đi tới từng nơi có hiện tượng cuộc gọi bị chặn đó, lọ mọ, lọ mọ thu thập bằng chứng để có những bài báo thuyết phục về cái gọi là cạnh tranh bẩn của các ông anh dành cho ông em Viettel.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bây giờ khi đó mới chỉ là phó giám đốc của Viettel có nói một câu tới giờ mình vẫn nhớ: các nhà báo ủng hộ Viettel không phải là ủng hộ một doanh nghiệp mà ủng hộ một sự phát triển có lợi cho con người, cho xã hội, cho thị trường chung.
Ông anh Mạnh Quân nói đúng, không có Viettel sẽ không có một thị trường viễn thông bùng nổ như hiện nay, giá cước viễn thông không rẻ thế này, không có Vietjet không có thị trường hàng không từ xa xỉ thành phổ cập, hàng chục triệu người nghèo lần đầu được đi tàu bay và giờ có Bamboo để các hãng cùng nhìn thấy rằng thị trường đã qua giai đoạn bùng nổ nóng và giờ là thời đi vào chất lượng dịch vụ, cái mà hành khách cần chính là cải thiện chất lượng dịch vụ, sự đúng giờ.
Vòng nguyệt quế sẽ dành cho hãng nào cùng lúc đạt được cả 3 tiêu chí: giá hợp lý, bay an toàn, đúng giờ, dịch vụ tốt.
Cạnh tranh lành mạnh, kết quả bao giờ cũng tốt, cho tất cả.
Location: nội thất em Boo, rất đáng tiền:)
Nguồn: Thanh Lương Lê
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!