Lệch pha cung cầu do khủng hoảng pháp lý là tác động lớn nhất đối với thị trường BĐS năm 2019 dẫn đến hệ lụy nguồn lực đổ vào BĐS không được khai thông, nguồn cung sụt giảm 50-70% ở tất cả các phân khúc, giá BĐS tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung nhưng thanh khoản thấp, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm.

Vietnam đang đứng trước cơ hội lớn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm gần đây, kiểm soát lạm phát tốt, dòng tiền FDI đổ vào BĐS tiếp tục tăng và là nước được đánh giá là hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Tốc độ đô thị hóa tại càng thành phố lớn tiếp tục tăng cao, mỗi năm tại TP HCM và Hà Nội cần đến 4-5triệu m2 sàn cho nhu cầu ở mới.
Thế nhưng kịch bản nào cho các Doanh nghiệp BĐS có thể nắm bắt và tận dụng được cơ hội có thể xem là ‘thế nước đang lên’ rất thuận lợi này. Điều này đòi hỏi một quyết tâm thay đổi và đổi mới toàn diện của các bên tham gia vào thị trường bao gồm từ Cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ban ngành từ Trung ương đến địa phương đến các Doanh nghiệp BĐS đang hoạt động cũng như vai trò của người dân hướng tới một thị trường BĐS ổn định và phát triển bền vững.
Tất cả phải đảm bảo cùng hướng tới 1 mục tiêu chung tối cao là vì sự phát triển của thị trường một cách lành mạnh, minh bạch và hiệu quả trong lâu dài thay vì cách làm cơ hội, manh mún, rời rạc, chắp vá, chồng chéo và chỉ nhìn vào lợi ích ngắn hạn, không đồng bộ.

5 điểm lớn các Doanh nghiệp BĐS cần làm tốt để vượt qua thử thách sắp tới:
1 – Nắm bắt xu thế phát triển và dẫn dắt nhu cầu: BĐS là sản phẩm tổng hợp của nhiều ngành nghề khác nhau. Chính vì vậy BĐS chịu ảnh hưởng bởi tốc độ và sự phát triển của các ngành nghề liên quan trong đó công nghệ đóng một vai trò then chốt.
Kỹ thuật XD của VN cũng đang đi sau so với các nước phát triển và việc ứng dụng các thành tựu của khoa học vào sản phẩm BĐS còn hạn chế. Chỉ 10% các CEO BĐS trong một cuộc khảo sát của PWC gần đây trả lời có quan tâm đến điều này, đây là điều rất đáng lo ngại. Mình thật sự đánh giá rất cao các Doanh nghiệp dám đi tiên phong và dẫn dắt nhu cầu để tạo lợi thế khác biệt về sản phẩm mang đến cho khách hàng trải nghiệm mới.
2- Xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển trong dài hạn: BĐS là một lĩnh vực đầu tư rất dài hạn do vòng đời sản phẩm dài. Nhanh thì 3-5 năm, lâu cũng lên đến 5-10 năm hoặc lên đến vài chục năm. Có những dự án phải mất đến gần cả đời người để đầu tư và phát triển. Đây là sản phẩm đặc thù và chịu sự chi phối của rất nhiều luật lệ cũng như thủ tục pháp lý phức tạp, hao tổn tiền bạc và thời gian đôi khi kéo dài không lường trước.
Không nói đâu xa như dự án Van Phuc city mất đến 15 năm để hoàn tất thủ tục pháp lý và mất thêm ít nhất cũng phải 15 năm nữa để phát triển dự án hoàn thiện cho một đại đô thị ven sông 198ha. Nếu không có tầm nhìn trước 10-15 năm thì không có cơ hội phát triển những quỹ đất lớn trong tương lai. Rất nhiều chủ đầu tư bị vướng vào điều này, thường không đủ kiên nhẫn chờ đợi, chỉ muốn đánh nhanh, thắng nhanh và tranh thủ thị trường lúc đang tốt nên hay vướng vào pháp lý không đầy đủ và sản phẩm không hoàn thiện dẫn đến nhiều trường hợp đem con bỏ chợ, kiện tụng, tranh chấp kéo dài.
3 – Giải pháp tài chính trong dài hạn: nguồn lực tài chính đổ vào BĐS là nguồn lực khủng, không có chỗ cho kiểu làm ăn giật gấu, vá vai, chưa đi đến đích đã hết tiền giữa chừng dẫn đến tình trạng dự án dang dở, không đảm bảo cam kết với khách hàng, mất lòng tin, mất uy tín, thương hiệu. Khả năng quản trị tài chính của Chủ đầu tư đảm bảo nguồn lực trong dài hạn là yếu tố sống còn trong việc đầu tư phát triển BĐS.
Ngay cả những thương hiệu hàng đầu cũng đang vướng vào vấn đề nan giải này khi có dư nợ khủng kéo dài. Đại Phúc đã làm rất tốt điều này khi duy trì được tốc độ phát triển ổn định trong suốt 25 năm vừa qua và đảm bảo nguồn lực đầu tư vào dự án theo phân kỳ đầu tư và phát triển đã cam kết mà không bị phụ thuôc nhiều bởi tác động bên ngoài.
4 – Xây dựng đội ngũ nhân sự nòng cốt đủ năng lực dẫn dắt một đội ngũ nhân viên năng động, sáng tạo, không ngừng phát triển và hiệu suất cao. Nhân sự cấp cao vẫn luôn là bài toán nan giải của các Doanh nghiệp. Việc thay đổi 1 vài vị trí nhân sự cấp cao sẽ ảnh hưởng mạnh đến đường lối, chính sách phát triển của cả một doanh nghiệp. Nhiều câu chuyện khủng hoảng doanh nghiệp xảy ra không phải do yếu tố bên ngoài mà chính là hê lụy của sự xáo trộn do biến động nhân sự cấp cao vẫn thường xảy ra.
Mình rất thấm thía một câu nói khi đọc sách của chị Nguyễn Phi Vân: một ông chủ có nhiều tiền để có thể thuê được một người giỏi về làm cho mình nhưng ông ta chỉ cần những người mà chưa chắc gì dùng nhiều tiền đã mua được sự tận tâm và cống hiến của họ.
Nếu không dám đặt niềm tin vào nhân sự mình đang quản lý và không cho họ một cơ hội để thể hiện hết năng lực thì Doanh nghiệp mãi mãi sẽ nằm trong vòng lẩn quẩn tìm kiếm nhân sự.
5 – Tập trung vào giá trị SP đáp ứng nhu cầu thực. Bất động sản là sản phẩm có giá trị rất cao đáng giá cả một gia tài vì vậy không thể chấp nhận một kiểu đầu tư qua loa lấy lệ cho xong. Ngoài công năng sử dụng BĐS còn có giá trị về văn hóa, lịch sử và không thiếu cả yếu tố nghệ thuật. Nhà đẹp là bộ mặt của gia chủ, của một địa phương, của một đất nước.
Nhà đẹp bây giờ đã là không đủ mà còn bao gồm cả môi trường sống, không gian sống xanh, sạch, tiện nghi, an toàn. Một dự án BĐS ngày càng phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trong khoảng 10 năm gần đây chất lượng các sản phẩm BĐS đã được nâng lên rất nhiều. Không chỉ phân khúc cao cấp mà ngay cả phân khúc trung cấp cũng được cải thiện đáng kể về chất lượng sản phẩm và tiện ích dịch vụ.

Một dự án cho dù quảng cáo lung linh đến đâu nhưng không đảm bảo cam kết cho chất lượng và giá trị sản phẩm đều vô nghĩa khi mà thực tế dự án vẫn vườn không nhà trống hay chỉ thuần túy làm hạ tầng sơ sài cho có mà không có bất cứ tiện ích gì đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân.
Một dự án BĐS có giá trị gia tăng bền vững hay không thể hiện ở khả năng lấp đầy của người dân vào sinh sống. Phục vụ nhu cầu thực vẫn là chiến lược phát triển bền vững nhất. Riêng Vạn phúc city chỉ trong 5 năm đầu tiên đã có hơn 2.000 cư dân vào ở, hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động. Trường học, clubhouse, sân chơi thể thao, công viên, siêu thị…đã đưa vào hoạt động phục vụ cư dân. Khách hàng chính là người thẩm định tốt nhất giá trị sản phẩm do doanh nghiệp mang lại.
Sân chơi BĐS không dành cho người yếu tim bởi tính chất khốc liệt của nó, thành công hay thất bại đôi khi chỉ trong gang tấc khi mà có quá nhiều yếu tố rủi ro chi phối. Trong giai đoạn cao điểm số lượng doanh nghiệp BĐS tăng lên chóng mặt khi nhà nhà làm BĐS nhưng đến khi suy thoái thì nhà nhà rút lui và phá sản trong thầm lặng. Chỉ những doanh nghiệp đủ bản lĩnh vượt qua thử thách mới có thể tồn tại được.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò quan trọng trong việc điều phối thông qua hệ thống văn bản pháp lý thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững. Nút thắt về pháp lý cần được tháo gỡ nhanh chóng, đây là vấn đề cấp thiết và sống còn tác động đến sự phát triển của thị trường BĐS, tránh lãng phí nguồn lực và gây đình trệ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế -xã hội và hệ lụy sẽ tiếp tục kéo dài nhiều năm về sau nếu không kịp thời hành động.
Mạng xã hội Góc Nhìn www.gocnhin.com.vn trân trọng cảm ơn Góc Nhìn Bất động sản của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!