Góc nhìn từ một khán giả đến rạp, một người gốc miền Tây, một đứa con trong gia đình có truyền thống “bán vé số”, xem khoảng một phần ba đầu bộ phim thì cảm thấy hơi chán, nét diễn vài nhân vật “đơ nhẹ”. Thậm chí có tình tiết hơi không hợp lý, vài hiệu ứng chuyển cảnh hơi khó hiểu. Lúc đó, mình chợt nghĩ: anh Lý Hải được Tổ độ nên phim thắng, thậm chí chưa thấy ai chê bai gì, xem ra cũng là một dạng “ăn may”.
Nhưng đến tình huống: “Hội bạn xâu xé nhau ngay tại khu phòng trọ dọc đường từ quê lên thành phố lãnh tiền trúng số”. Lúc này, tôi mới biết mình đã sai lầm.
Điện ảnh Việt Nam đã có một kịch ngang tầm hàng loạt tác phẩm đình đám thế giới: một câu chuyện hay với nhiều tình huống “lật qua lật lại” hợp lý, khai thác bản sắc vùng miền và ngành nghề truyền thống độc đáo, đặc tả đúng bản chất con người sông nước từ các tình huống trải dài đến kết của phim.
Dân Miền Tây mua vé số như kiểu “ăn cơm uống nước”. Thống kê mới nhất: dân miền Nam chi 35.600 tỷ đồng mua vé số trong 3 tháng đầu năm. Trúng số hứa chia, tranh giành tiền thưởng, tranh nhau xem tờ vé trúng tới mức làm rách vé, trúng số rồi “tán gia bại sản”. Tất cả đều là những câu chuyện có thật.
Nên việc chọn lát cắt “trúng số” cho phần Lật Mặt 6, theo mình, đã là một nét văn hoá rất miền Tây, bên cạnh một làng chiếu trăm năm hay các khu chợ nhà lồng lộn xộn. Phải thương quê hương tới cỡ nào thì người ta mới tâm tư gầy dựng được những tình huống rượt đuổi hấp dẫn đan xen hình ảnh đời sống bà con vùng sông nước trong bối cảnh phim.
Những nét văn hoá đặc sắc như bữa đám giỗ hát hò hay hình ảnh bà tạp hoá “kem trộn trắng bệt”, thậm chí cảnh đào mồ nửa đêm, cũng là hình ảnh mà những đứa con miền Tây sẽ chạnh lòng nhớ quê khi xem phim.
Ký ức tuổi thơ cũng hiện lên dễ chịu với hình ảnh đám bạn cùng xóm 5-6 thằng, rồi đường đời mỗi đứa mỗi nghiệp mưu sinh. Để rồi đồng tiền có làm biến chất cái tình cái nghĩa con người ta.
Tình huống phim có lúc đến nghẹt thở bởi diễn biến và tâm lý nhân vật. Sự nghẹt thở đó nhiều khi đến từ vài câu hỏi (vốn của dân làm nghề báo): anh Lý Hải sẽ mở nút thắt thế nào để “phim qua được kiểm duyệt và ra rạp” (kiểu như là phạm pháp thì kết phim phải có Công an), hay kết thúc phim thì buộc phải “nghĩa tình đôn hậu” như dân miền Tây mới chịu.
Cuối cùng, “Lật mặt” đúng 6 lần và phim thoả mãn hết mọi thứ. Những chi tiết rất nhỏ như: cô vợ ngồi trên xe ô-tô cầm dao gọi trái cây ăn (nhìn mắc cười), để rồi con dao đó là hung khí cho cuộc ẩu đả, hay tình huống bị cho là “cắm sừng chồng, gian díu, ngoại tình” trong vai của Diệp Bảo Ngọc cũng được lý giải thích nhẹ nhàng.
Nhiều tuyến nhân vật, nhiều số phận, nhưng cách kể chuyện hợp lý. Mình thích vai của anh Quốc Cường “gà trống nuôi con”, càng thích khi con gái anh viết văn miêu tả anh “vừa làm cha nhưng cùng là mẹ”. Các nhân vật trong hội bạn đều tròn vai. Thậm chí, xem xong, bạn mình nói “diễn viên thực lực” nên mọi thứ có khác. Ngôn ngữ điện ảnh qua “điệu nhảy trong nghĩa trang”, góc máy trong ô-tô, hay hiệu ứng hành động của cú lật xe… cũng là điểm cộng của phần 6 “Lật mặt”.
Tất nhiên, còn vài tình huống hơi gượng như việc “hoán đổi tấm vé”, hay hành trình từ quê lên thành phố vài trăm cây số mà phải “ở trọ ven đường”. Nhưng tất cả đều chấp nhận được vì đó là điện ảnh.
Toàn bộ phim không có câu nào đạo lý, nhưng thông điệp thì hợp lý: của trên trời rớt xuống thì coi chừng, không gì qua được tình người. Cảm ơn vợ chồng đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải – Minh Hà đã đưa đất và người miền Tây gần hơn với khán giả, và có thể vươn ra thế giới. Cảm ơn về những thông điệp nhẹ nhàng để xem xong phim vẫn thấy cuộc đời thật đẹp, và không phải ôm “cục tức” nào về nhà.
Góc nhìn Võ Huỳnh Tấn Tài.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!