Ông Luận cho biết từ khi ra trường và đi làm cho các tập đoàn nước ngoài, điều ông học được chính là sự cầu tiến. “Tại sao những người Việt Nam chúng ta lại đang phải làm thuê cho họ trên chính quê hương của mình? Vì sao chúng ta không tự làm ra những sản phẩm dựa vào nguyên liệu từ chính mảnh đất quê hương, bằng đôi tay và trí óc của người Việt chúng ta?”.
Ngay từ những năm 2009 khi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cửa window ra nước ngoài ông Luận đã nung nấu ý định tạo ra một thương hiệu của riêng mình. Năm 2014, là Chủ tịch của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Sài Gòn Asean, thực hiện hỗ trợ đưa doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư vào TP. HCM và Việt Nam, hỗ trợ họ tìm nguyên liệu nhập khẩu về nước để chế biến sâu, ông Luận nhận thấy nguồn nguyên liệu như thanh long, mãng cầu, dưa hấu của Việt Nam phong phú, có giá trị cao, nhưng lại có giá bán thấp. Nếu trúng năm được mùa mất giá thì bà con còn phải bỏ đi hàng loạt, lãng phí tiền của, công sức không biết bao nhiêu mà kể. Nhìn sang các nước, cụ thể như sản phẩm nước gạo Hàn Quốc, được xuất khẩu rất nhiều và trên hết là họ làm ra được thứ nước uống hằng ngày cho chính người dân họ. “Với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào tốt như vậy vì sao không biến nó trở thành một thương hiệu hay một thứ nước uống hàng ngày cho 90 triệu dân của chính chúng ta dung? Cà phê cũng là một loại nông sản nhưng chúng ta chưa tạo ra giá trị tương xứng với nó mà chỉ mới xuất thô”, ông Luận nhấn mạnh.
Và vì là thế hệ làm cà phê đi sau, chúng tôi phải tìm cách nâng giá trị của sản phẩm bằng cách tạo ra giá trị tốt hơn từ nguyên liệu đó. Và con đường chính là sản phẩm từ nông nghiệp chế biến sâu. Và năm 2016, cà phê trái cây Meet More ra đời.
Thách thức đầu tiên và quan trọng của cà phê trái cây Meet More chính là người Việt có thói quen uống cà phê đậm đặc. Họ ngần ngại với thức uống mới: cà phê trái cây. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, 8/10 sản phẩm mới sẽ gặp thất bại vì nó… quá mới. Không đầu hàng, cuối năm 2017, đầu 2018 ông Luận chuyển hướng sang thị trường Hàn Quốc. Tại đây, sau một loạt các thử nghiệm, thị trường đã phản hồi bằng những dấu hiệu tích cực. Đối tác nghiên cứu thị trường của Meet More đã đưa ra những phản hồi đầu tiên của khách hàng, có nhiều người muốn uống thứ cà phê không có cafein hoặc cà phê đã tách một nửa cafein. Không phải tất cả những người uống cà phê cùng có thể thích nghi với liều lượng cafein đậm đặc. Trên thế giới cũng đã có hơn 200 quốc gia tiến hành những nghiên cứu tập trung giải quyết vấn đề: chế biến cà phê làm sao để tạo ra loại thức uống từ cà phê phù hợp và tốt nhất cho sức khoẻ con người.
Sau đó, khi bắt đầu được chấp nhận ở một số thị trường nước ngoài, Meet More lại phải đương đầu với 2 đợt dịch lớn nhất tại Việt Nam. Sau khi dịch được khống chế thì chiến tranh Nga, Ukraine lại xảy ra. Những khó khăn liên tiếp kéo theo giá nguyên liệu tăng, giá xăng dầu tăng đẩy chi phí vận chuyển lên cao…là những điều kiện khiến Meet More phải nỗ lực trên 200% . “Với cá nhân tôi hễ có thời gian trống là lại tìm tòi, liên kết xúc tiến gần như vừa nghiên cứu sản phẩm vừa tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Luận bôc bạch.
Tại sao lại là cà phê, là nông sản Việt? Và tại sao lại là chế biến sâu?
Hiện nay trên thị trường, những thương hiệu lớn nhất kinh doanh loại nước uống này lại không đến từ một quốc gia trồng được cà phê. Ví dụ như Starbucks là một thương hiệu cà phê lớn, cả thế giới biết đến và họ không đến từ một quốc gia trồng cà phê. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của Starbuck là 10 tỷ USD, trong khi Việt Nam đang xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới nhưng chúng ta chỉ thu 3 tỷ USD. Năm 2022 chúng ta cũng vẫn đứng thứ 2 thế giới và thu về 3,9 tỷ USD. Một số đất nước khác không phải là quốc gia lớn về trồng cà phê, như Thuỵ Điển, thì họ cũng đã cho ra đời những thương hiệu cà phê lớn và giá trị họ thu về lớn gấp nhiều lần so với chúng ta chỉ tập trung xuất khẩu cà phê thô.
Hiểu ra đây là câu chuyện về phát huy thế mạnh và tạo ra giá trị cao thì chúng tôi đồng thời đã trả lời được câu hỏi “vì sao chúng ta không tạo ra những thương hiệu cà phê lớn để mang lại giá trị lớn hơn cho cà phê”.
Tiếp đến, sau khi xác định hướng đi chính là thị trường ngách cho sản phẩm cà phê trái cây với quyết tâm dấn thân vào chế biến sâu từ những nông sản bản địa của Việt Nam, hiện nay hướng đi của Meet More hoàn toàn khác những thương hiệu đi trước. Nghĩa là không chỉ tận dụng những nguyên liệu, sản phẩm đang sẵn có của Việt Nam, Meet More tập trung xây dựng sứ mệnh “Tạo ra sản phẩm có giá trị từ nông sản Việt”, nghiên cứu đưa cà phê và nông sản là hai thế mạnh lớn nhất của Việt Nam vào cà phê trái cây.
Hướng đi, sản phẩm, cách làm và hệ thống cùng khác biệt.
Meet More là thương hiệu mới, sản phẩm mới và muốn tham gia vào thị trường rộng lớn của toàn tế giới. Đối với doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam, khi quyết định xuất hàng sang nước ngoài thì khó khăn lớn nhất chính là phải xác định được sản phẩm của chúng ta là gì và thị trường ở đâu. Và từ đó phải chọn lựa kênh phân phối. Rất nhiều nhãn hàng đã thất bại trong việc tiếp cận khách hàng cũng như thị trường nước ngoài do chọn sai kênh phân phối. Với Meet More ngay từ đầu đã giữ nguyên tắc chọn nhà phân phối địa phương gốc Việt. Nguyên nhân lớn nhất, theo ông Luận, các nhà phân phối địa phương là người nước ngoài họ chỉ tiếp cận các nhãn hàng đã có tên tuổi, có thể bán được hàng và sau đó là các chính sách thương mại và tỷ lệ chiết khấu. Họ không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Nhưng những nhà phân phối gốc Việt thì khác. Là người gốc Việt, nhà phân phối và nhà sản xuất có cùng ngôn ngữ, dòng máu, và quan trọng, mối liên kết này có điểm chung quan trọng là tinh thần dân tộc. Có những nhà phân phối gốc Việt nhưng định cư sau năm 1975, họ hầu như không hiểu không biết gì nhiều về Việt Nam. Trước đây họ chỉ kinh doanh hàng Thái, hàng Trung Quốc nhưng nghe mình nói chuyện về sản phẩm của Việt Nam, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, mặc dù tiếng Việt không rành nhưng trong họ có dòng máu của người Việt, tự dưng họ muốn chung tay với mình. Để cùng chia sẻ góc khuất và khó khăn, khơi dậy quyết tâm máu lửa đam mê đưa sản phẩm của người Việt ra thế giới. Tất nhiên để có thể tiếp cận hệ thống phân phối bản địa, công ty sản phẩm của mình phải đạt được các tiêu chuẩn cơ bản rồi.
Tại thị trường kỳ vọng nhất là Mỹ, gần như tất cả chuỗi của hàng của người Việt Nam tại Mỹ đã phủ kín sản phẩm của MeetMore cùng với 14 quốc gia nơi Meet More hiện diện. Khách hàng thử cà phê Meet More đã không ngờ đây là sản phẩm do người Việt Nam làm ra.
Hiện ở Mỹ đã có 1, 2 siêu thị lớn chấp nhận làm việc với Meet More. Cụ thể, đại diện Cosco (hệ thống siêu thị lớn nhất nước Mỹ, lớn nhất thế giới) cũng đã đưa người sang Meet More “check list” tất cả các điều kiện sản xuất, mục sở thị nhà máy, “check list” các điều kiện, chỉnh sửa để trong năm nay sẽ đưa được Meet More vào Cosco. Thị trường châu Âu khó hơn một chút nhưng cũng là mục tiêu của Meet More trong năm nay.
“Khi kiều bào đón nhận sản phẩm tại các quốc gia Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Séc…tôi đã rất hạnh phúc. Vì đã làm được một việc mà mình nung nấu từ khi mới ra trường và khởi nghiệp ở những công việc đầu tiên: đưa ra thế giới một sản phẩm, thương hiệu của người Việt, do người Việt tạo ra”.
Phạm Thuỷ
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!