Ngày mới đi làm báo, mình được sếp giao một ngày viết 2 bài, nhưng vì chẳng có nghiệp vụ gì nên mất 10 tiếng mới viết xong. 6 tháng sau, mình viết cứng tay hơn, nhiệm vụ lại được đổi sang đi phỏng vấn, làm TikTok, làm podcast, làm liveshow. Luôn có một cái gì đó khó hơn đang chờ ở phía trước, một thứ mà mình và các đồng nghiệp, không ai thực sự biết phải làm nó như thế nào.
Nhưng có một điều. Làm đến dự án thứ 3, thứ 4 gì đấy, mình nhận ra hình như tất cả những công việc này đều có một quy luật. Có 2 phase đan xen nhau mà khi đi làm ai cũng phải vượt qua: Vất vả và nghỉ ngơi.
Trong một lớp nghiệp vụ viết mà mình học, thầy Hoàng Hối Hận (người bạn thực sự nên follow) đã giới thiệu một cấu trúc kể chuyện các nhà biên kịch Hollywood rất chuộng. The Hero’s Journey – hành trình của người hùng. Cấu trúc này có 12 bước dẫn nhân vật chính đi từ thế giới đã biết sang một thế giới họ chưa từng biết tới.
Chẳng hạn trong phim The Princess Diaries, Mia đã chật vật đi từ cuộc đời của một girl Mỹ vô tri đến vị trí công chúa của Genovia. Hay ở với phim truyền hình Hàn Quốc, chúng ta có Goblin. Tướng quân Kim Shin bị dính lời nguyền bất tử và phải tìm một cô dâu người để hóa giải. Kim Shin bước vào một hành trình cồng kềnh để bảo vệ cô dâu dù trước đấy anh này vô cảm, chả thèm quan tâm đến ai.
Nhìn sơ đồ của The Hero’s Journey, mình nghĩ nó không đơn thuần là một cách kể chuyện. Nó có thể phản ánh hành trình của tất cả chúng ta khi đi làm.
Một người trẻ vừa ra trường, đang yên lành sống ở comfort zone thì bỗng nghe theo call to adventure để đặt chân sang một thế giới mới. Thế giới đó có thể là một công việc mới, một dự án mới, bắt đầu startup, làm thêm job ngoài hay học thạc sĩ, viết blog. Ở thế giới mới này có xung đột, có đấu tranh, có thất bại, thậm chí là thành công giả. Thế nhưng khi các nhân vật chính bước qua được, thế giới khó khăn mới mẻ lúc đầu lại trở thành một nơi quen thuộc. Tất cả được trở thành một con người mới, tận hưởng phần thưởng xứng đáng trước khi bắt đầu một hành trình tiếp theo.
Hero’s Journey của mỗi người có thể rất khác nhau. Có người phải đi qua vòng tròn nhiều lần với những hành trình mới, cũng có người chỉ đi vài lần thôi nhưng áp lực, khó khăn mà họ trải qua thì rất nặng nề. Chẳng hạn như trong các chương trình quản trị viên tập sự (MT) của tập đoàn lớn, một MT sẽ phải luân chuyển qua rất nhiều phòng ban để học làm đủ mọi nghề. Làm sale, làm sản phẩm, làm marketing, vừa quen cái này lại đi qua “kiếp nạn” khác suốt 2-3 năm, để cuối cùng chạm đến vị trí cao cấp, vị trí lãnh đạo trong một tập đoàn. Nếu chọn hành trình kiểu này, bạn sẽ phải kiên nhẫn hơn người khác nhưng phần thưởng nhận lại cũng “to” hơn.
Mình hay nhìn vào The Hero’s Journey như một hệ quy chiếu xem bản thân đang ở khúc nào của 2 phase vất vả và nghỉ ngơi. Đôi khi cũng để vỗ về bạn thân rằng mình đã làm nhiều rồi, xứng đáng được đi du lịch mấy ngày này, cuối tuần được xem bộ phim này. Phải nghỉ cho hẳn hoi để đoạn sau còn vất vả tiếp chứ!
Thế còn bạn, bạn đang ở khúc nào. Vất vả hay là nghỉ ngơi?
Bài viết chia sẻ Góc Nhìn của Nhà văn Tammy
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!