Cách đây vài tuần, tôi có thực hiện nhiệm vụ cùng tổ với một bạn nữ mới ra bay được khoảng ba tháng. Trong ngày bay 4 chặng, đến chặng thứ ba, trong lúc chờ dọn vệ sinh tàu, bạn ấy than thở với tôi về việc mỗi ngày phải tự mình nhấc rất nhiều va-li lên ngăn đựng hành lý phía trên cho khách, mà đa phần lại là những va-li nặng hoặc rất nặng.
Tôi hỏi bạn ấy rằng: “ Sao em không nhờ khách giúp một tay?”. Bạn nói có nhờ, nhưng số khách phụ không nhiều, còn lại bạn ấy phải tự nhấc. Phần vì nể khách, phần vì không có nhiều thời gian để giải thích, phần vì muốn boarding nhanh để chuyến bay có thể cất cánh đúng giờ. Tôi nghe vậy, nhưng không biết phải nói gì thêm, vì thực ra dù đi bay trước và có kinh nghiệm, thì chính tôi cũng đã và đang lâm vào hoàn cảnh như bạn mà thôi…
Là “trách nhiệm” hay “hỗ trợ”…?
Tôi vào đề ngay trong câu chuyện về hành lí – Là “trách nhiệm” hay “hỗ trợ”…? Thực ra, nói cho đúng thì tài sản cá nhân, tư trang của mình thì hành khách phải là người tự chăm sóc và tự bảo quản. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi “phủi sạch” mọi trách nhiệm, tiếp viên vẫn sẽ là những người hỗ trợ giúp khách hàng một tay.
Đây là chuyện mà đối với tôi là một chuyện rất tế nhị, bởi ranh giới giữa khái niệm “hỗ trợ”(*) và “trách nhiệm”(**) là rất mong manh. Song song đó, ở cả hai phương diện “công ty” và “khách hàng”, thậm chí là từng cá thể đều có những nhận định và góc nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề. Nếu như với khách hàng, khi mua vé, sử dụng dịch vụ, việc tiếp viên phải đặt hành lý lên giúp gần như là suy nghĩ cố định ăn sâu trong ý thức của số đông, thì Viet‐ nam Airlines là những người làm dịch vụ và bán dịch vụ, trên lý thuyết càng không có quyền khước từ yêu cầu rất-đơn-giản này của hành khách.
Đọc đến đây quý đọc giả khoan vội có những suy nghĩ như “ôi, đâu phải khách hàng muốn làm gì làm?” hay “đừng nghĩ bỏ tiền ra rồi lên giọng với người khác” hoặc “tại sao hãng vì chiều khách mà không bảo vệ quyền lợi sức khoẻ cho tiếp viên…”, mà với chúng tôi, đó là những nhận định hoàn toàn đúng về mặt logic của riêng mỗi cá nhân.
Chúng tôi hiểu rằng quý vị đang bỏ tiền ra để lựa chọn “full service”, vậy nên, không có lý do gì để chúng tôi không phục vụ quý vị theo tiêu chuẩn “full service”. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cần phân tích để cùng nhau hiểu rõ hơn vấn đề được đặt ra ở đây, đó là: Vietnam Airlines cung cấp Dịch Vụ Vận Chuyển đẳng cấp 4 sao với “In-flight full service”.
Việc đảm bảo an toàn, phục vụ dịch vụ trong suốt chuyến bay là trách nhiệm mà chúng tôi phải thực hiện triệt để. Dịch vụ chúng tôi cam kết là vận chuyển hành khách đến nơi một cách an toàn, đúng giờ cùng với các dịch vụ đi kèm về đồ ăn, thức uống, giải trí, chăn mềm,…..và vận chuyển hành lý.
Riêng về hành lý, có 2 loại là hành lý ký gửi và hành lý xách tay. Hành lý ký gửi là loại hành lý mà hành khách ký gửi vào khoang dành cho hành lý ngay khi làm thủ tục, được quy định từ 20kg đến 32kg (tùy hạng vé, chặng bay) và sẽ lấy tại băng chuyền nhà ga đến. Hành lý xách tay là những tư trang cá nhân, những đồ dùng có giá trị cao, những đồ dùng …mà khách muốn mang theo cùng lên khoang khách, hành lý xách tay được quy định 1 kiện× 7kg/ một khách hạng phổ thông và 2 kiện × 7kg/ một khách hạng thương gia.
Thế nên, riêng về hành lí xách tay, do là đồ tư trang cá nhân, có loại giá trị rất cao, có loại dễ hư hỏng .. nên rất cần việc chăm non bảo quản cẩn thận của chủ nhân. Còn Tiếp viên với cương vị là “chủ nhà” hiểu rõ vị trí và nắm bắt cấu trúc của từng loại máy bay khác nhau, nơi nào cho phép được để hành lí, loại nào, ở đâu và nơi nào không, nên nhiệm vụ hướng dẫn khách để hành lí đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn cho chuyến bay cũng như đỡ hộ hành lí cho hành khách trong một số trường hợp đặc biệt, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em…luôn được chúng tôi thực hiện nhanh chóng, hết mình với thái độ niềm nở nhất vì đó không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ mà còn là trách nhiệm của chúng tôi.
Tuy nhiên, khách ơi!
Đối với những trường hợp bình thường, chúng tôi tìm kiếm, bố trí chỗ để hành lý phù hợp cho mỗi hành khách và giúp đỡ hỗ trợ mỗi người một tay khi có yêu cầu và mỗi người hãy giúp chúng tôi một tay. Lẽ nào một chiếc vali được xem là nặng, là khó khăn để đưa lên ngăn đựng hành lý với một khách hàng Nam lại trở thành nhẹ và dễ dàng đối với một tiếp viên Nữ??? Chỉ là giúp chúng tôi một tay, một tay để cái tình với nhau được trọn vẹn trên mỗi chặng bay ngắn, dài. Để sau chuyến bay này, chúng ta sẽ còn gặp nhau ở một chuyến bay khác, để không còn những khúc mắc hay buồn phiền nhau chỉ vì những chuyện không đáng như thế này…
***
“Em là con trai mà sao sức khoẻ em yếu vậy? Có cái va-li có gần 10kg mà không nhấc lên nổi, còn cần anh/ chị giúp nữa là sao?…”
Đã có những hành khách rất giận dữ khi chiếc vali xách tay thương hiệu nổi tiếng bị trầy xước khi được lấy từ ngăn đựng hành lý. Nếu chủ nhân tự lấy thì mọi việc đã khác….
Cũng có những trường hợp cuối chuyến khách không biết hành lý mình để ở đâu vì lên máy bay cứ để hành lý đấy có người tự cất lên, cũng chẳng buồn nhìn xem hành lý của mình được đề ở vị trí nào….!!!
Và cũng có rất nhiều trường hợp thiếu, mất tài sản để trong hành lý xách tay mà không xác định được thiếu mất vào lúc nào… thì những người chạm vào hành lý vô tình cũng bị nhìn với ánh mắt dò xét!!!
Một câu chuyện khác về anh tiếp viên vào nghề trước tôi 4 năm, bị trật cột sống trong lúc anh ấy nhấc va-li quá nặng cho khách. Sự việc đó sau khi xảy ra, không ai trách được ai cả, nhưng rồi khách hay thậm chí đồng nghiệp chúng tôi dù có hỏi han giúp đỡ thì cũng đâu
ai có thể giúp anh ấy khỏi hẳn những tổn thương như ban đầu. Tôi ước gì, nếu chúng ta thương nhau, nghĩ cho nhau một chút như những người thân yêu trong gia đình, thì câu chuyện này có lẽ đã được viết lên theo một chiều hướng rất khác. Và khách ơi, khách có biết không, giả sử mỗi chặng một tiếp viên chỉ tự mình nhấc 3 đến 5 va-li lên phía trên,một ngày 4 chặng sẽ là 12 đến 20vali thì một tháng chúng tôi sẽ nhấc khoảng 600 va-li, một năm là 7300 vali….
Trung bình một vali từ 7-10 kg, về lâu dài, ở góc độ sức khoẻ, cột sống của chúng tôi không chịu nổi, tuổi nghề cũng vì vậy mà ngắn hơn. Chưa kể những va-li quá khổ, đôi khi kèm theo những lời nói giận dữ, chẳng phải là chúng tôi vừa nhọc sức lại còn lao tâm?
Tôi nói ra ở đây không phải là than vãn, cũng không dám nói thay, nói hộ ai hay phát ngôn điều gì bởi có
rất nhiều hành khách luôn giúp đỡ tiếp viên. Nhưng đây thực sự là nỗi lòng mà chúng tôi muốn giải bày cho nhau hiểu. Chúng tôi nói ra để những ai đọc bài viết này đã đang và sẽ là những hành khách đáng quý của chúng tôi có cái nhìn khác hơn, bao dung hơn, bao quát hơn về nghề nghiệp và công việc mà chúng tôi đang theo đuổi.
Để thương sự vất vả của chúng tôi nhiều hơn, bởi khâu chào đón và sắp xếp hành lí chỉ là một công đoạn rất nhỏ trong rất nhiều những quy trình khác trên suốt chuyến bay, mà đó là tất cả những nhiệm vụ chúng tôi muốn mình phải thực hiện tốt nhất. Với mỗi cánh tay nâng lên cùng chúng tôi, với mỗi nụ cười được trao nhau, những lời cảm ơn thật tâm từ tận đáy lòng, thì đó là những khoảnh khắc đẹp nhất mà chúng tôi sẽ trân trọng mãi. Trên chuyến bay, gặp được nhau hẳn là có duyên rất lớn, vậy cớ sao không xem nhau như những người thân thuộc, bởi có thân thuộc mới hiểu được nhau, mới bao dung và trải lòng cùng nhau, để khi tạm biệt nhau , sẽ còn chút gì để nhớ…!
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!