Có một câu người lớn hay dùng để dạy con là: “Tại sao người ta làm được, con không làm được?” Thoạt nghe, thì tưởng là đúng và có thể đúng theo lẽ thông thường nhưng không phải là đúng trong mọi trường hợp.
Bộ não mỗi người được sinh ra có cấu trúc hoàn toàn khác nhau, ADN khác nhau tuy có thể là cùng cha cùng mẹ và sự khác nhau này dẫn đến năng lực, tính cách, khả năng chịu đựng khác nhau.
Tôi thường nói với các võ sinh không bao giờ so sánh mình với người khác, người khác hơn hay kém hơn mình trong tập luyện là việc của họ, cái quan trọng là tuần này ta làm nhanh hơn, mạnh hơn, chính xác hơn so với chính ta của tuần trước.
Võ theo ý nghĩa sâu sắc nhất chỉ là phương tiện để ta rèn luyện tâm lý, ý chí và cơ thể ta mà thôi. Ta có đánh thắng hay thua một người, ấy cũng chỉ là một cá nhân và việc ấy giúp ta đo được ta đang đứng ở đâu trong thang bậc võ học, chứ chẳng mang một ý nghĩa gì ghê gớm.
Ta không vì thế mà cảm thấy hãnh diện hay tự ti về bản thân mình. Mọi sự so sánh về năng lực đều là thiển cận. Có người sinh ra đã được số phận ban tặng một năng lực siêu phàm, như Mozart khi có mấy tuổi chỉ cần thoáng nghe một giai điệu là có thể chơi lại và sáng tác, hoàn thiện hơn cho bản nhạc.
Có nhạc sỹ khác hay so bì mình với Mozart, tuyên bố mình có thể vượt tài năng của thiên tài âm nhạc trong mấy chục năm tới nhưng giả sử hắn có thể sống một nghìn năm thì điều ấy vẫn là không thể.
Khi nhìn nhận được vấn đề này, ta sẽ đón nhật sự hơn thua ở đời một cách cởi mở, vui vẻ và bình thản. Có những người sinh ra đã được làm công chúa, hoàng tử của cuộc đời, họ thông mình, giàu có và thành đạt, có người sinh ra phải lặn lội trong đói nghèo, đau khổ ê chề.
Điều quan trọng là ta biết đón nhận số phận trao tặng cho ta một cách bình thản để nỗ lực hết mình cải tạo nó, đừng nhọc công, mất thời gian so sánh mình với người khác để làm gì.
Mà ở đời, biết mèo nào cắn mỉu nào? Các bạn đã đọc Pappilon Người Tù Khổ Sai chưa? Tác giả Henri Charrière bị xử oan phải ngồi tù từ năm 16 tuổi, suốt mấy chục năm. Khi ra tù ông đã viết cuốn tiểu thuyết để đời.
Cả một cuộc đời đầy đau khổ nhưng sự đau khổ đã tạo nên một tác phẩm bất hủ. Cuộc đời ấy chắc chắn thú vị hơn rất nhiều triệu người sống nhàn nhạt và an phận.
Tất nhiên là không phải ai cũng làm được như Henri Charrière, nhưng ở đây tôi muốn nói là việc giữ cho tinh thần mình bền bỉ không gục ngã là điều cần thiết trong cuộc sống. Ai đó đã nói rằng, nếu số phận cho ta một quả chanh đắng, ta hãy cố làm một cốc nước chanh ngọt.
Cuộc sống không bao giờ có sự công bằng. Có những sinh linh vừa cất tiếng chào đời được mấy phút, mấy tiếng là đã phải tắt lịm, bạn và tôi, chúng ta đang hít thở bầu không khí, đang sống, ấy đã là một sự may mắn.
Tôi biết, sự thất bại sự đau khổ không dễ dàng vượt qua, nhất là khi ta phải chịu những điều ấy trong cô đơn, nhưng nếu ta buông xuôi thì khác nào ta đã chết rồi. Hãy nhếch mép mỉm cười cay đắng và ngạo nghễ trước số phận, đón nhận đòn đánh của nó và hãy cứng cỏi để xem vở kịch cuộc đời, vở kịch số phận sẽ dẫn đến đâu.
Suy cho cùng, mọi thứ cũng chỉ là mây khói mà thôi. Điều quan trọng căn cốt là ta không được để mất chính mình, phải không các bạn?
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!