Thay vì “siết” van tín dụng với một số phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng hay chỉ để đầu cơ bất động sản như chỉ đạo của Chính phủ hay NHNN thì nhiều nơi đã “khóa” luôn dòng tiền vào thị trường vô cùng nhạy cảm này. Lâu lâu lại “giật mình” phanh gấp như thế rồi kết quả thế nào thì ai cũng rõ nhưng để cho thị trường BĐS “đứng hình” không phải là điều tốt cho nền kinh tế nước nhà
Hầu hết những ý kiến chuyên gia, nhà quản lý và cả dư luận đều đồng tình rằng việc siết tín dụng vào một số phân khúc chỉ phục vụ cho đầu cơ và nhu cầu số ít là điều tốt, giúp thị trường lành mạnh và trật tự hơn. Tuy nhiên vốn vào BĐS như máu trong cơ thể, bơm nhiều hay ít quá đều gây nên tác hại khó lường và luôn cần một “quả tim” khỏe mạnh cùng bộ não điều tiết để chúng ta khỏe mạnh.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng ngành này đang đối diện nguy cơ thiếu vốn do tác động kép từ Covid-19 và các quy định siết chặt huy động vốn như vậy. Trong khi đó, bất động sản là kênh có đóng góp lên đến 14% GDP cho nền kinh tế giai đoạn 2019 – 2021. Giờ đây siết, thậm chí khóa ở cả những phân khúc đang phát triển lành mạnh, phục vụ nhu cầu số đông, tạo công ăn việc làm cho hàng tram ngàn lao động, giúp hàng vạn DN cung ứng nguồn, vật lực cho thị trường BĐS thì có khi lại lợi bất cập hại.
Dù cho Chính phủ và NHNN nhiều lần khẳng định chỉ siết tín dụng những phân khúc cần phải chấn chỉnh nhưng nhiều NH đang muốn an toàn nên đã “khóa” luôn hay xem xét cấp vốn quá thận trọng, khắt khe. Không như nhiều lĩnh vực khác, BĐS phụ thuộc không nhỏ vào nguồn vốn tín dụng và giờ đây chỉ cần chờ đợi một vài tuần để NH xem xét có cần thiết hay đúng phân khúc chưa siết hay không cũng đủ để DN BĐS lao đao. Đấy là chưa kể những dự án đa mục đích thì có được cấp vốn hay không tùy thuộc khá nhiều vào “cảm quan” của NH.
Không ít chuyên gia sau khi “bình tĩnh” và cân nhắc kĩ đã cho rằng cần xem xét mức độ tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, phù hợp với từng ngân hàng và từng dự án, không nên quy định một tỷ lệ 8% chung cho tất cả. Các ngân hàng sẽ tự xem xét hiệu quả, khả năng hoàn vốn, thu lợi nhuận, cũng như khả năng chịu đựng rủi ro. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, nguồn lực tốt, nên được cho vay để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường.

Không nên lấy thị trường BĐS với hàng chục ngành nghề “ăn theo” và “nương nhờ” để làm con tin cho các chính sách hay đòi hỏi để chỉ vì lợi ích trước mắt của nhóm này. Tuy nhiên bất cứ lĩnh vực nào siết quá mạnh hay khóa quá chặt đều dễ đến tác dụng ngược, vượt quá kiểm soát và mong đợi gây ra nhiều hệ lụy không kém lúc thả nổi, quá nóng.
Khá nhiều DN đã kêu cứu và lên tiếng không cỉ vừa “sống sót” qua đại dịch đã gặp ngay việc khóa van tín dụng BĐS, chưa kể chính sách không ít nơi vẫn ì ạch và chậm chạp khó hiểu. Có lẽ thị trường BĐS cũng nên được đối xử như các ngành nghề khác, đừng để những định kiến và “ác cảm” sẵn có làm méo mó nơi dù gì cũng góp gần 15% GDP quốc gia.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!