Cho đến nay, dù cho thị trường trái phiếu DN đã bị cảnh báo và mắc vài tai tiếng nhưng cần công bằng nhìn nhận không phải loại trái phiếu DN nào cũng xấu, kiểu như Tân Hoàng Minh hay đừng nên dây vào! Nếu DN có tài sản đảm bảo, phát hành đúng theo các quy định của pháp luật và làm ăn tốt thì đây vẫn là loại chứng khoán với nhiều cá nhân, tổ chức. Mặt khác, gọi vốn bằng kênh này DN sẽ chủ động và có dòng tiền đa dạng hơn trong thời điểm cần phục hồi, phát triển sau đại dịch cần nhiều vốn như hiện nay.

Về phía người mua trái phiếu DN, nhà đầu tư sẽ được đáp ứng những nhu cầu mà không phải kênh đầu tư nào cũng có. Đó là họ nhận được số tiền lãi hàng tháng cao hơn lãi tiết kiệm; Mức độ rủi ro thấp hơn so với sở hữu cổ phiếu, do trái chủ sẽ được ưu tiên thanh toán nợ trước cổ đông khi công ty đi đến giải thể hoặc phá sản; Dễ dàng trao đổi với mức lãi suất thực nhận trong thời gian đầu tư; Có thể sử dụng lãi suất định kỳ để tái đầu tư, “lời sinh lời”…
Tuy nhiên những điều tốt đẹp ấy chỉ có giá trị khi thị trường trái phiếu DN lành mạnh, phát hành đúng luật và không bị làm cho méo mó biến dạng. Bên cạnh đó thì vụ án Tân Hoàng Minh đã tác động xấu đến thị trường này khi trái phiếu DN mấy ngày qua bị đánh đồng quá nhiều rủi ro, không đáng tin cậy và nhất là chặn mất đường gọi vốn qua kênh này của nhiều DN làm ăn đàng hoàng, tài chính ổn định, có cơ sở để phát triển trong tương lai, thanh khoản tốt.

Theo số liệu của VBMA, trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 42%. Trong số đó,trái phiếu DN bất động sản tiếp tục mở rộng quy mô khi đạt hơn 232.300 tỷ đồng, tăng trưởng 37% và chiếm lớn nhất khoảng 35% tổng khối lượng phát hành. Theo sau là nhóm ngân hàng phát hành khoảng 230.400 tỷ đồng, tăng mạnh 62% và cũng chiếm gần 35% tổng khối lượng chào bán. Các lĩnh vực lớn còn lại như doanh nghiệp tài chính chứng khoán, xây dựng, tiêu dùng, năng lượng…
Nhưng chỉ có 30% khối lượng trái phiếu phát hành bởi các DN niêm yết (không bao gồm các NH thương mại). Điều đó cho thấy phần lớn trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp ít tên tuổi hoặc khá kín tiếng, gây rủi ro về thông tin cho người mua. VBMA đánh giá “Tuy nhiên 3/4 trái phiếu bất động sản lưu hành trên thị trường là của doanh nghiệp không niêm yết, với chỉ số tài chính không được công bố rộng rãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, khi tỷ lệ đòn bẩy của toàn ngành có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2021”

Nhìn vào “bức tranh” sơ bộ của trái phiếu DN, nhất là ngành BĐS trên thì chúng ta thấy rõ cảnh báo của NHNN, Bộ Tài chính đáng để lưu ý. Vụ án Tân Hoàng Minh càng cho thấy thị trường này cần phải sớm thanh lọc “sạch sẽ”, minh bạch và lành mạnh hơn. Mạnh tay với những DN huy động qua trái phiếu sử dụng sai mục đích hay làm ăn yếu kém không chỉ giúp thị trường tài chính ổn định, trật tự hơn mà còn trả lại cho kênh trái phiếu DN những điều tốt lành hiếm có và vực dậy lòng tin của nhà đầu tư.
Góc nhìn của Nhà báo H.P
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!