Cách đây 20 năm, anh Phan Vũ Minh, 31 tuổi, sống tại Vĩnh Long, không may gặp biến cố khiến cả hai chân đều bị liệt. Khó khăn di chuyển cũng không ngăn cản được đam mê làm vườn của anh. Khu vườn nhỏ xanh mát, tràn đầy niềm vui của chàng trai miền Tây khi được đăng tải lên mạng xã hội nhanh chóng gây bão và nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Biến cố của Minh
12 tuổi, cậu bé Phan Vũ Minh sau nhiều lần đau lưng, đi lại khó khăn, được chẩn đoán mắc dị dạng mạch máu tủy sống. Căn bệnh hiếm hiện nay tại Việt Nam chưa có thuốc chữa, Minh là trường hợp thứ 2 trên cả nước mắc bệnh thời điểm đó. Đau nhức nhiều, chân tay yếu dần, bố mẹ dồn hết tiền đưa Minh đi chữa trị nhiều nơi.
Dù bệnh tật, Minh vẫn kiên trì đến trường. Chân yếu, anh thường là người cuối cùng rời lớp, sau khi bạn học đã chạy ùa ra từ lúc nào. Mỗi lần lên bậc thang, hoặc anh nhờ bạn, hoặc tự bám tường mà đi. Từng đợt điều trị giúp anh đỡ dần, nuôi giấc mơ hoàn toàn khỏe mạnh sau này. Tuy nhiên, không như mong đợi, diễn biến bệnh ngày một tệ hơn.
Đến năm 20 tuổi, tủy sống bất ngờ bị phù lên, dập tắt mọi hy vọng lúc đó, Minh không thể đi lại được nữa. Buồn rầu, bế tắc và thất vọng vô cùng, anh suy sụp và nghĩ quẩn.
“Có những lúc mình muốn kết thúc cuộc đời, nhưng thương cha mẹ nhiều lắm. Nhiều lúc buồn và mệt mỏi, nhưng rồi cũng nhanh chóng trôi qua. Mình cố gắng tập vật lý trị liệu phục hồi”, Minh nói.

Anh và mẹ rời Sài Gòn về Vĩnh Long sinh sống, bỏ dở việc học đại học. Ở quê, không khí thoáng đãng và thoải mái, có thể giúp phần nào đó trong việc phục hồi. Để không phải phụ thuộc vào bố mẹ, anh tự chủ trong sinh hoạt cá nhân.
Làm quen với xe lăn, là một trong những trở ngại lớn với Minh. Anh từng tự do trên đôi chân trần của mình, bỗng một ngày bị “trói buộc” trên chiếc xe không mong muốn. Anh ngại ngùng và khó chịu.
Thời gian đầu, anh khó di chuyển. Nhưng dần dà, cảm giác ngại ngùng tan biến, anh thành thạo đi lại bên cạnh “người bạn thân” mới.
“Mình còn trẻ, ở nhà mãi cũng không ổn. Mình tập đi ra ngoài, hôm nay là con hẻm nhỏ, ngày mai ra tận ngoài đường, cứ từ từ hòa nhập cuộc sống. Từ người khỏe mạnh bỗng thành khuyết tật, mình cần thời gian để thích nghi”.
Quan sát một thời gian, Minh thấy mọi người cũng dần “bình thường” với anh, nên tự tin và mạnh dạn đi xe hơn. Anh bắt đầu làm kinh tế, tìm một công việc thích hợp để kiếm thu nhập. Vốn đam mê cây cảnh, anh nhập hoa hồng về bán, kinh doanh thuận lợi giúp anh có thu nhập ổn định. Cuộc sống của anh cũng từ đây đều gắn liền với sân vườn, thiên nhiên.
Khu vườn của Minh
Trong thời gian bán cây kiểng, nhận thấy thừa nhiều chậu cây, Minh bắt đầu tận dụng để trồng cây cải, đặt dọc hai bên hông nhà, dài chừng 20m. Trồng cây trong chậu giúp anh tiện chăm sóc, di chuyển, tưới nước. Cảm thấy việc chăm bón thành thạo hơn, cây cối sinh sôi và phát triển, chàng trai xin mẹ mảnh đất 60m2 trong khu vườn rộng 800m2, để cải tạo đất trồng.
“Hồi xưa khi đi học trên Sài Gòn, mình đã trồng những cây rau trong thùng xốp. Sau này về quê, sở thích chăm sóc cây cảnh càng giúp mình hiểu được giá trị của một khu vườn, cải thiện và cân bằng những thứ trong cuộc sống”, Minh nói.
9X kể, anh mua cà chua tươi về ăn rồi lấy hạt gieo trực tiếp, giờ đã có cả một vườn cà chua. Anh tận dụng những khay nhựa rồi đục lỗ thoát nước, cho đất trộn vào rồi trồng cây. Giàn khổ qua được trồng trong nhà lưới nên không bị ruồi đục quả và lá cây.
Khu vườn đa dạng từ rau muống, rau mồng tơi, cải ngọt, bắp cải, bầu, bí, mướp, khổ qua, đến trái cây như mận, chanh dây, khế, vú sữa,… Một số giống cây trái mùa, anh thường đợi cuối năm vào dịp Tết, trời miền Tây có chút se lạnh để trồng thử nghiệm, nhưng cây không phát triển.




Với Minh, do bị liệt hai chân, nên quá trình chăm sóc khu vườn rất vất vả. Mỗi khi chăm bón, anh phải cúi người, hai xương gần đầu gối cọ xát mạnh vào xe lăn bị trầy xước, có lúc còn chảy máu. Anh buộc phải nghỉ ngơi đến khi vết thương lành lại rồi mới tiếp tục.
Thỉnh thoảng, những lúc cúi người, cũng khiến huyết áp tăng cao, anh bị xây xẩm mặt mày. Mọi công đoạn, Minh đều làm chậm rãi, từ tốn, không được nhanh như người bình thường. Nhiều lúc, có mùa nước mặn, không có nước để tưới, nhiều loại quả héo mòn và chết dần.
Để vườn rau tươi tốt, 9X dùng phân hữu cơ để chăm bón, tranh thủ sáng tối để bắt sâu. Buổi chiều khi trời đã vơi nắng và kết thúc công việc kinh doanh, anh tranh thủ ra chăm vườn.
“Lúc đầu, mẹ bảo chân tay thế kia sao mà làm vườn. Nhưng sau thấy con trai chật vật, mẹ giúp đỡ. Từ đó, hai mẹ con cùng nhau chăm vườn”, Minh kể, những nơi giàn lưới trèo cao, mẹ sẽ làm hộ anh. Kể cả cuốc đất, tưới cây,… cũng một tay mẹ phụ giúp.
Ngoài giải trí, khu vườn còn mang lại cho mẹ con Minh rau củ quả tươi xanh, đảm bảo chất lượng. Mỗi lần đi chợ, hai mẹ con chỉ cần mua mỗi thịt, cá. Trồng nhiều quá không ăn hết, Minh còn mang tặng hàng xóm. Khu vườn từ đó trở thành niềm vui chung cho mọi người.
“Mỗi lần trồng cây rồi nhìn chúng phát triển, mình thích lắm. Mình cứ ngắm mãi, không nỡ ăn, chỉ trồng để ngắm. Mình nâng niu chúng đến khi nào già quá mới thu hoạch”, Minh cười.
Minh rất tự hào về khu vườn, muốn chia sẻ với mọi người rằng dù bị liệt hai chân, anh vẫn có thể thực hiện đam mê. Sau khi đăng tải hình ảnh khu vườn lên một hội nhóm, anh nhận về hàng chục nghìn lượt like (thích), bình luận và chia sẻ. Tất cả đều ngưỡng mộ, chúc mừng và động viên anh.
“Mình cố gắng trả lời từng comment (bình luận) để mọi người thấy được sự tử tế. Mình thật sự rất vui khi được mọi người yêu quý”, Minh nói.




Chuyến phượt của Minh
Tuy bị liệt hai chân, Minh vẫn có thể đi phượt 30 tỉnh/ thành phố, nhờ chiếc xe lăn được một người anh học cơ khí chế tạo thành chiếc xe 3 bánh. Anh tập thể dục mỗi ngày, nâng cao sức khỏe, rồi nghiên cứu lộ trình di chuyển.
Minh nhớ lại, chuyến đi xa đầu tiên vào năm 2017, anh đã đến Bạc Liêu. Từ đó, anh lần lượt chinh phục đỉnh Langbiang, ngắm hoàng hôn đẹp nao lòng tại làng chài Rạch Tràm (Kiên Giang), chịu cái nắng đổ lửa tại Eo Gió (Bình Định), vượt qua “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” – đèo Hải Vân, về với cố đô Huế.
“Mình ấn tượng nhất với Tây Nguyên, vào mùa cà phê, cảnh vật thoải mái, con người nồng hậu. Mình muốn trở lại với mảnh đất đầy nắng gió này trong thời gian tới”, anh nói.
Khi đi qua mỗi thành phố, Minh thường nghỉ ngơi, ăn uống dọc đường như cơm hộp, bánh mì. Anh hạn chế đi buổi tối, trừ trường hợp bất đắc dĩ, nhất là những lúc phải băng qua đèo, ghềnh. Anh thường chọn khách sạn hoặc nhà nghỉ phù hợp, nghỉ qua đêm, sáng hôm sau tham quan cảnh vật và thiên nhiên.
Khó khăn nhất trên hành trình chinh phục đất trời, Minh nói rằng đó chính là thời tiết. Chỉ một cơn gió thôi cũng tạo cảm giác buồn ngủ, anh phải dừng dọc đường thường xuyên để tỉnh táo, rồi mới tiếp tục chặng đường.
“Không thể ngồi nhiều vì sợ bị loét cơ thể, mình tính toán thời gian hợp lý, trải thảm yoga ngay lồng xe để nghỉ ngơi”, anh nhớ lại.
Đến bất cứ mảnh đất nào, Minh cũng nhận được sự đối xử nồng ấm của người dân bản địa. Họ vui vẻ và tiếp đãi Minh như người thân trong gia đình.




Những năm qua, Minh đã chinh phục 30 tỉnh, thành phố. Thời gian tới, anh hi vọng dịch bệnh sớm ổn định để tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình
Hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát, Minh tạm dừng hành trình phiêu lưu. Anh vẫn đi, nhưng khám phá lại những mảnh đất gần nhà, tại miền Trung, Tây Nguyên, hoặc miền Tây.
“Những vùng đất mình đã đi qua, nhưng chưa khám phá sâu, thì lần này mình quay lại tìm hiểu kỹ hơn”, Minh nói những chuyến du lịch không kéo dài liên tục. Anh tiết kiệm tiền từ công việc kinh doanh để đi phượt, sau mỗi hành trình lại về Vĩnh Long tiếp tục làm việc, kiếm tiền phục vụ sở thích.
“Mình vẫn ấp ủ giấc mơ chinh phục những mảnh đất mới, nhất là các tỉnh phía Bắc. Hi vọng, dịch bệnh sớm ổn định, để giấc mơ thành hiện thực”, Minh tâm sự.
Nhìn lại cả hành trình chinh phục 30 tỉnh/thành phố, Minh tự nhận mình là một “kẻ liều lĩnh”. Nhưng anh nghĩ, sau này, hối tiếc nhất chính là những điều mình không dám làm. Tại sao có sức khỏe, có điều kiện, lại không thực hiện đam mê ngay bây giờ. Thà làm rồi thất bại, sẽ vui hơn là day dứt trong suy nghĩ.
Minh thỏa mãn với bản thân về giấc mơ khám phá xung quanh. Dù có mắc căn bệnh nào đi chăng nữa, có đam mê và sự quyết tâm, anh sẽ cố gắng để chinh phục.
“Tuy rằng mình không bằng người khác, nhưng không vì thế mà chỉ biết ôm sự thiệt thòi đó. Mình phải thay đổi để tận hưởng cuộc sống, vì vốn dĩ mình sống cho mình, chứ không sống cho ai cả. Mình muốn chứng minh cho người đời thấy, dù khuyết tật, nhưng mình vẫn có thể làm bất cứ việc gì, thách thức bản thân, khám phá đam mê du lịch”, anh nói.
Minh Nhân – Ảnh: NVCC
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!