Thương vụ bắt tay giữa 2 tỉ phú đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, tuy không bất ngờ về phía VinGroup, vì từ nhiều tháng trở lại đây, tập đoàn này đã công bố chiến lược thoái vốn tại các công ty con để tập trung cho VinFast và VinSmart, tuy nhiên việc đối tác là Masan và đối tượng sáp nhập là VinCommerce vẫn là điều rất ít người nghĩ đến. Xơ là người thạo tin cũng chỉ biết trước 3 ngày. Không đủ thời gian để múc ít cổ cánh. Hehe
Theo thông tin được công bố, quy trình vận hành, phục vụ và quyền lợi khách hàng của Vin vẫn đảm bảo giữ nguyên, và cộng hưởng thêm các quyền lợi của Masan. Các nhà cung cấp được đảm bảo sẽ được đối xử công bằng, nhìn chung sẽ tránh xáo trộn hết mức có thể. Thực tế tỉ trọng hàng Masan trong siêu thị chỉ là 1%, còn rất nhiều hàng hoá thiết yếu khác mà họ không sản xuất.
Masan Consumer có doanh thu ước đạt hơn 1 tỉ USD trong năm 2019, với nhiều sản phẩm chủ lực hiện đang chiếm lĩnh thị trường, chiếm 66% thị phần nước mắm, 67% thị phần nước tương và 71% thị phần tương ớt của Việt Nam. Các hộ gia đình ở Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan.
Nhìn chung, Masan là trung gian giữa nông dân và người tiêu dùng Việt. Để đảm bảo sản lượng của mình, phần lớn nguyên liệu sản xuất được Masan thu mua của hàng vạn hộ nông dân khắp cả nước, và chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao hơn, bán cho người tiêu dùng và dành cho xuất khẩu.
Tuy nhiên gần đây chiến lược của công ty này đã thay đổi, không còn giới hạn là một công ty FMCG. Vào năm ngoái, công ty này ra mắt thương hiệu thịt mát Meat Deli, và khánh thành nhà máy chế biến thịt lợn công suất 1,4 triệu con tại Hà Nam, trong khi nhà máy thứ 2 tại Long An đang tiếp tục được xây dựng.
Việt Nam là nước tiêu thụ thịt lợn lớn thứ 2 thế giới, một thị trường trị giá 10 tỉ đô, gấp gần 10 lần doanh thu của Masan hiện tại. Không chỉ thịt lợn, các thực phẩm tươi sống khác cũng đang được Masan nhòm ngó, có lẽ đó là lý do mà VinEco cũng nằm trong danh sách sáp nhập.
Tuy nhiên vấn đề tối quan trọng khi bước vào ngành thực phẩm tươi sống lại nằm ở phân phối, bán lẻ, điều mà Masan đang thiếu. Dù áp dụng công nghệ làm mát thịt hiện đại đến đâu, việc đảm bảo sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn và trong phạm vi địa lý rộng nhất có thể, vẫn là yếu tố sống còn trong lĩnh vực này.
Thương vụ sáp nhập với VinCommerce sẽ cho phép Masan tiếp cận 2.600 siêu thị, cửa hàng khắp cả nước, hầu hết ở vị trí đắc địa. Các cửa hàng VinMart nhiều khả năng sẽ được chuyển từ convenience store thành grocery store, tức là bán thêm cả thực phẩm tươi sống và chế biến.
Nếu thực sự là thế, nó sẽ là một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng của thị dân Việt. Grocery store rất phổ biến ở nước ngoài, tập đoàn bán lẻ lớn thứ 3 thế giới là Kroger Co chính là một chuỗi grocery store, và doanh thu chủ yếu đến từ thực phẩm.
Vừa là nhà sản xuất, vừa sở hữu một hệ thống phân phối rộng khắp cả nước ở các vị trí đẹp nhất, Masan sẽ có lợi thế trong việc giành lại thị phần vượt xa bất kỳ đối thủ nước ngoài nào. Vin cũng sẽ được hưởng lợi khi đó với tư cách là một cổ đông.
Các nhà sản xuất Việt Nam xưa nay vẫn luôn trong tình trạng bị chèn ép, mà gần đây nhất là việc các nhà cung cấp bị loại ra khỏi hệ thống siêu thị do người Thái làm chủ mà không rõ lý do. Cú bắt tay lịch sử này giữa hai đại gia Việt Nam, sẽ mở ra một sân chơi cho hàng Việt chiếm lại thị trường, đem lại cả lợi ích cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Việt.
Sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong 1 thập kỷ gần đây đã được khẳng định ở sự tăng trưởng mạnh và bền bỉ bất chấp tình hình khó khăn chung của thế giới. Việt Nam đã bước những bước dài, bỏ lại những người láng giềng một thời khệnh khạng như Thái Lan ở phía sau, trở thành một tay chơi lớn trên trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực như xuất khẩu.
Sự thăng hoa của một quốc gia, đôi khi thể hiện ở những chuyển biến rất hữu hình, như thành tích môn bóng đá SeaGames, hit tỉ view của Sơn Tùng MTP, hay các đại gia bắt tay nhau, cùng viết nên trang sử mới của ngành bán lẻ.
Thông tin bên lề, theo nguồn tin riêng của Xơ, cách đây vài tháng, Quỹ GIC của Singapore đã đầu tư 500 triệu vào công ty mẹ của VinCommerce, sau khi sáp nhập, số tiền này sẽ được quy đổi bằng khoảng từ 15-17% công ty mới. Vậy giá trị của công ty này sẽ có giá trị tương ứng khoảng 3,5 tỉ đô.
Nguồn: Fb Nguyễn Thị Thao
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!