Chúng ta ai cũng muốn được người khác tôn trọng nhưng không dễ để có thể biết cách tôn trọng người khác một cách đúng mức bởi cái tôi trong người ta thường rất lớn, ít khi chịu khiêm nhường và do nóng vội.
Khác biệt trong suy nghĩ, trong cách sống, hoàn cảnh sống hay thái độ ứng xử sẽ dẫn dắt hành động một cách vô thức mà mình không hay biết.
Trong gia đình thường thấy nhất là cha mẹ ít khi tôn trọng con cái. Cái quyền làm cha mẹ thường cho phép phụ huynh có thể la mắng nặng nề khi con mình phạm lỗi.
Còn nhớ hồi nhỏ gần nhà mình có một gia đình mà bà mẹ có thói quen chửi con theo kiểu miệt thị rất thậm tệ. Thử hỏi đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh mỗi ngày phải nghe những lời đay nghiến như làm sao có được tâm trí lành mạnh.
Mình chỉ là hàng xóm mà nghe được còn thấy ám ảnh huống gì con cái trong nhà. Đôi lúc người lớn chỉ hành xử theo thói quen mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng của nó gây tổn thương rất lớn về tinh thần cho con mình và đứa bé mất đi sự tự tin trong cuộc sống.
Có lẽ vì thế ngay từ hồi còn nhỏ mình đã quyết định sẽ không nói lời tổn thương người khác để tránh ân hận về sau.
Vợ chồng đôi khi mâu thuẫn cũng không tránh khỏi cãi nhau. Thế nhưng tranh cãi đến mức buông lời chê bai, hạ thấp người bạn đời không khác gì lấy muối xát vào tim.Có nhiều người chồng hay vợ khi nóng giận là khẩu nghiệp nặng nề, tuôn ra những lời không kiểm soát và rất cay nghiệt với người bạn đời của mình. Nó sẽ ăn mòn dần tình cảm và đến một ngày sẽ không còn cảm xúc hay tình cảm gì nữa.
Tương kính như tân có lẽ lời khuyên này không bao giờ sai dành cho các cặp vợ chồng để có cuộc sống hôn nhân bền vững.
Trong công việc thường gặp nhất là thái độ coi thường của cấp trên đối với cấp dưới. Để thị uy đôi khi Sếp thích la mắng hay làm khó dễ nhân viên của mình. Chưa kể đến nhiều người không biết tài giỏi đến đâu nhưng chỉ thích chỉ trích, chê bai đồng nghiệp của mình mỗi khi có dịp.
Và rõ ràng với một thái độ kiểu ‘bề trên’ như vậy thì việc hợp tác trong công việc sẽ không thể có hiệu quả bởi bằng mặt mà không bằng lòng.
Còn nhớ khoảng 10 về trước mình có 1 bạn nhân viên làm kỹ thuật điều chuyển qua bộ phận làm hồ sơ pháp lý. Khi bạn ấy làm văn bản đưa lên mình đọc và nhận ra quá nhiều lỗi trong đó. Thay vì la mắng mình lặng lẽ sửa và gọi bạn ấy lên để giải thích và yêu cầu chỉnh sửa bởi mình hiểu công việc kỹ thuật của bạn vốn không quen với việc giấy tờ.
Có la mắng cũng không có ích gì. Thay vì vậy hãy tìm cách giúp cho người khác tốt hơn. Và cứ như vậy mình kiên trì sửa và bạn đã cải thiện rất nhiều sau một thời gian. Cho đến mãi sau này khi gặp lại bạn vẫn nhắc hoài cách mà mình đã giúp bạn.
Phải đặt mình trong hoàn cảnh người khác mới có thể thấu hiểu và biết cách ứng xử phù hợp. Nếu không giúp được đừng làm cho người ta khó khăn hơn.
Với người ngang hàng hay với người lớn hơn mình, thái độ tôn trọng dường như cũng không quá khó để thực hiện. Nhưng điều ít ai để ý là thái độ đối với những người yếu thế hơn mình. Mình có thói quen khi ra đường, nếu gặp người bán vé số qua đường cho dù không mua bao giờ cũng phải trả lời một câu: cảm ơn em/anh/chị, mình không mua hay không chơi vé số.
Thỉnh thoảng gặp người nào lớn tuổi quá không đành lòng cũng mua ủng hộ và biết chắc chắn là không bao giờ nhớ để dò. Bản thân mình vốn là người không thích trò chơi may rủi và cũng không mong chờ một món quà từ trên trời rơi xuống.
Cũng khá lâu trước đây khi con còn nhỏ mình phải tìm sự trợ giúp của người giúp việc. Đây cũng là câu chuyện dài buồn buồn tủi tủi của nhiều phận người. Nhiều người cho rằng mình bỏ tiền ra thì có quyền sai khiến và không cần phải có thái độ tôn trọng người làm. Còn mình thì nghĩ khác, chẳng hiểu sao thấy người ta rơi vào hoàn cảnh phải xa đình đi làm giúp việc mình xót xa cho một phận người và thường cố gắng đối xử tốt nhất có thể được.
Còn nhớ có lần người quen giới thiệu cho 1 người lớn tuổi. Tay chân đã không còn nhanh nhẹn hoạt bát nhưng thấy hoàn cảnh tội quá mình lại không nỡ nên cứ nghĩ thôi coi như có người giữ nhà hộ. Mình cũng chẳng dám yêu cầu gì nhiều, sức đến đâu làm đến đó và xem như có duyên với nhau một chặng đường. Khi tạm biệt bà đã khóc và cảm ơn mình đã đối xử chân tình với bà.
Ngày nay mạng xã hội đã phát triển một cách sâu rộng và có sức ảnh hưởng ngày càng lớn. Nhưng hệ lụy của nó cũng không nhỏ khi văn hóa mạng đã ngày càng khó kiểm soát và có chiều hướng đi xuống. Người ta dễ dàng ‘ném đá’ vào một ai đó mà đôi khi không thật sự hiểu hoàn cảnh thế nào. Không có nút Unlike trong Facebook là một sự cân nhắc hợp lý vì ảnh hưởng tiêu cực của nó đến người dùng.
Cộng đồng mạng nhiều khi vô tư chỉ trích, bôi xấu người khác chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình và hệ quả là nhiều con người thật rơi vào bế tắc, trầm cảm, hành động lạc lối và đôi khi trả giá bằng chính sinh mạng của mình.
Vì vậy hãy thật sự tôn trọng người khác trước khi mong muốn người khác tôn trọng mình. Hãy tôn trọng mà không câu nệ đến xuất thân, hoàn cảnh hay địa vị xã hội miễn là người đó đáng được tôn trọng.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!