Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nữ doanh nhân Khổng Thị Minh luôn là người của sự vui tính, mạnh mẽ, quyết đoán. Thế nhưng, chỉ khi trải lòng về tuổi thơ gian khó, bà rơm rớm nước mắt…
Đó là một hành trình gian nan để hôm nay nghĩ lại, quá đỗi tự hào!
Xuất thân trong gia đình nghèo khó có đến 8 người con ở Vĩnh Phúc. Không ai được chọn nơi mình sinh ra, không chê cha mẹ nghèo khó, ngay từ nhỏ, “tôi đã chọn cách mình sẽ sống”.
Sớm ra đồng, chiều về phụ bố chăm vườn chanh, quản đàn gà… Đến lớp 5, khi đôi tay còn vương mùi bùn, ngái hương mạ, Minh lại tập tành đi buôn. Sẵn nhà có vườn chanh, Minh nói với bố không bán cho thương lái. Bố bán cho người ta bao nhiêu, cô mua giá bấy nhiêu. Lần đầu tiên, không có vốn, cô mua thiếu.
Thế rồi, Minh quẩy gánh chanh, đội nắng vượt quãng đường 30km đón tàu xuống chợ Đồng Khánh – Hà Nội. Chuyến hàng đầu tiên… lỗ. Sợ bố la, Minh mượn tiền bạn và đập ống heo để trả. Có công, trời không phụ. Những chuyến hàng vẫn nối tiếp và Minh đã có đồng lời.
Có vốn trong tay, cô gái nhỏ mang đi mua cá khô, miến khô, xà bông cục ở chợ Đồng Xuân, ngược về chợ Xuân Hòa để bán, kiếm lời thêm một lần nữa. Từ đó, cô gái bán chanh trở thành thương lái quen mặt của tuyến Vĩnh Yên – Hà Nội.
Bỏ học từ năm lớp 7, lấy buôn thúng bán bưng mưu sinh. Ở tuổi cập kê, bao bạn đồng trang lứa lập gia đình, cô gái chân lấm tay bùn ấy vẫn miệt mài hành trình ngược xuôi tằn tiện từng đồng lời, mặc cho trời rét, trời nóng, đôi dép cũ mòn đến chảy máu chân.
Đến khi cưới chồng, sinh con, cuộc sống vẫn quá khó khăn. Minh trăn trở để tìm một con đường tốt hơn cho cả gia đình.
Không bán trái chanh, con cá nữa, Minh bán hàng điện gia dụng, nhất là hàng Trung Quốc lúc đó đang thống lĩnh thị trường Việt Nam. Bước chân cô thêm lần nữa mòn lối từ cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái… vào Nam.
Đầu năm 1998, Minh mua nồi cơm điện về, với hai chiếc tua vít, cô bắt đầu mổ xẻ, nghiên cứu, để rồi một năm sau đã nắm vững quy trình và nguyên lý cho ra một chiếc nồi hoàn hảo.
31/12/1999, Công ty cơ điện Minh Khoa ra đời, để thỏa niềm mơ ước về một chiếc nồi “mang bản sắc” do người Việt sản xuất, lấy thương hiệu Kim Cương.
Hơn 20 năm qua, từ nhà xưởng thuê rộng 300m2, với 10 nhân công, mỗi ngày chỉ 30 chiếc thì giờ đây, cô gái bán chanh ngày nào đã gầy dựng nên một cơ nghiệp.
Điều tôi lấy làm tâm phục khẩu phục ở doanh nhân Khổng Thị Minh đó là: Phụ nữ sợ điện mà lại thành công nhờ nồi cơm điện.
“41 tuổi, tôi trắng tay làm lại từ đầu bằng nghề bán ve chai, đồ đồng. Tôi vào chợ Kim Biên mua cái nồi rã ra. Nồi này thị trường rất nhiều, nếu nhập thương mại thì khó cạnh tranh được nên tôi quyết định sản xuất. Chẳng biết về điện nhưng cứ nhìn thấy người ta lắp ráp gì mình làm theo và cải tiến”, nữ doanh nhân kể lại.
Bà Minh khiêm tốn nói rằng, công ty Minh Khoa thuộc dạng doanh nghiệp nhỏ và vừa với 200 công nhân. Sản phẩm tập trung vào phân khúc khách hàng bình dân. Đi quanh các xóm trọ khắp miền Nam, không đâu là không thấy chiếc nồi cơm điện Kim Cương.
Công ty không có cổ đông nên mọi việc đều nằm trong tầm tay, tầm kiểm soát của bà. Không có phòng kinh doanh, việc lên đơn, chuyển tiền… đều do bà Minh làm. Khách hàng gọi đến đường dây nóng cũng do bà trực tiếp nghe máy (trừ những lúc bà đi công tác) và tận tình giải đáp mọi thắc mắc, yêu cầu. Khách hàng báo hỏng ở đâu là bà biết ngay gặp vấn đề kỹ thuật gì. Đến mẫu mã cũng chính bà thiết kế…
Để phục vụ tốt cho công việc, chính bà Minh cũng luôn tự làm mới mình bằng cách liên tục cập nhật kiến thức.
Điều thú vị, 22 năm sản xuất bán hàng, nhưng Minh Khoa chưa phải mở những chiến dịch Marketing sản phẩm rầm rộ. “Vua” buôn thúng bán bưng ngày nào chưa phải một lần đi chào hàng mà đối tác tự tìm đến, biến cô gái bán chanh trở thành bà “trùm” về nồi cơm điện.
Bà Minh cũng thừa nhận rằng, chính kiểu bán hàng không giống ai mà lại thành công.
Để “giải mã” cho sự thành công đó, bà Minh cho rằng, ưu điểm nhất của bà chính là sòng phẳng. 15 ngày thanh toán đơn hàng thì đúng 15 ngày. Hơn nữa, một nồi cơm điện trải qua 42 công đoạn mới ra thành phẩm, nhưng dây chuyền của Minh Khoa tự động đến 60%. Nhập khẩu chỉ 20%, 80% trong nước, từ những cái nhỏ nhất Minh Khoa đều làm được.
Năm 2010 có 400 công nhân làm toàn thủ công, đến 2015 còn 350 công nhân, 2017 còn 300, 2018 đến nay chỉ còn 200 công nhân nhờ dây chuyền tự động. Do đó, sản phẩm giá thành bình dân, tăng cạnh tranh.
Cái gì cũng phải tự đương đầu nên có lúc bà Minh cũng cảm thấy rất stress. Thế nhưng, trời thương người tốt, sản phẩm của Minh Khoa luôn được khách hàng ủng hộ.
“Thành công là do mình yêu thương khách hàng và được khách hàng yêu thương ngược lại. Mỗi lần nghe khách gọi bằng “u ơi”, “má ơi”, “sếp ơi”… là tôi như… tan chảy. 22 năm qua, tôi chẳng có marketing. Marketing của tôi chính là tình cảm. Ngày 8/3, 20/10… tôi đến tận nhà tặng quà cho các đại lý. Họ rất tôn trọng, thương tôi”, bà Minh kể “bí kíp” bán hàng.
“Chẳng có ai cho mình thành công đâu, tự mình mà thôi. Có ai làm đường cho mình đi đâu. Cứ đi thì thành đường thôi. Không có gì bằng nghị lực, quyết tâm, trí tuệ và đam mê để tạo nên thành công. Nhiều người sẽ nói tôi tham công tiếc việc nhưng với tôi, bà chủ ra kinh doanh phải biết từ A tới Z mới gọi là kinh doanh”, nữ doanh nhân nói.
Một ngày của bà “trùm” nồi cơm điện Khổng Thị Minh bắt đầu từ 4h30. 5h bà đi tập thể dục. 7h về tới nhà, lên xe đi làm.
Đã ngồi vào bàn có khi quên cả ăn cơm vì việc quá nhiều. Song, ở tuổi 63, sức khoẻ bà vẫn như cô gái đang tuổi thanh xuân. Bà tự tin nói rằng, nhờ tập luyện thể thao thường xuyên và ăn trái cây nhiều nên bà có sức khoẻ tốt. 365 ngày không có ngày nào nghỉ, không có ngày nào dành riêng cho mình, nhưng may mắn thay, không có ngày nào ốm nặng.
Vùi đầu vào công việc đến nỗi không có thời gian nghĩ mình bao nhiêu tuổi, cũng không biết là thứ 7 hay chủ nhật nếu không xé lịch. Có những năm ngẩn lên đã thấy giao thừa rồi.
Bà sống như chỉ còn một ngày để sống. Vì thế, ngoài công việc thì thể thao, văn nghệ như là niềm đam mê thứ 2 không thể thiếu của bà.
Bà có đam mê ca hát từ nhỏ. Khi rất mệt đến nỗi muốn bỏ cuộc, âm nhạc và thể thao lại mang đến cho bà năng lượng tràn trề.
Một phụ nữ tuổi 63, ngày nào cũng chơi thể thao từ sáng sớm. Chiều, tan giờ làm, bà lại cùng công nhân giao lưu đủ các thể loại từ bóng đá đến bóng chuyền, cầu lông, tennis… Ở đó, không có sếp – lính, không chủ – tớ. Sức khoẻ đều bình đẳng. Tranh tài rất sòng phẳng. Nhìn những bước di chuyển thoăn thoắt, không ai nghĩ bà ở tuổi lục tuần.
Dấu hiệu tuổi tác ở người phụ nữ này dường như không có. Thanh xuân theo mãi khi vóc dáng của bà đang là mơ ước của biết bao cô gái. Hết thể thao, đến văn nghệ. Công ty của bà như là một sân khấu thu nhỏ. Luôn ngập trong không khí âm nhạc sau giờ làm và khi có sự kiện trọng đại.
“Nhiều người hỏi “không biết tôi có bị gì không?”. Tôi rất tỉnh táo”, Bà cười lớn khi tự hỏi và trả lời.
Mà thật, “bà có bị gì không?” là câu hỏi cũng có lý khi ở bà có quá nhiều điều khác biệt. Người lao động muốn vào Minh Khoa làm việc, có năng khiếu thể thao, văn nghệ thì như “cá gặp nước”. Vì thế, ngoài giờ làm việc, tăng ca nhân viên Minh Khoa không khác gì vận động viên, nghệ sĩ.
Bà chính là người khơi nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người, từ quản lý cấp cao, nhân viên, công nhân và đến cả các đối tác đại lý, khách hàng.
Trong khi các công ty khác luôn thay mới nhân sự thì ở Minh Khoa, chỉ khi nào người lao động nghỉ, bà mới giải quyết chế độ. Vì thế, nhiều người gắn bó với Minh Khoa ngay từ những ngày sơ khai khó khăn đến nay.
Điều thú vị nữa, Minh Khoa là “bến đỗ” của nhiều cán bộ nhà nước về hưu với những vị trí phù hợp. Nhờ vậy, nhiều người cảm thấy hào hứng, vui vẻ vì thấy mình còn giá trị.
Hồi còn bé “con trâu đi trước cái cày đi sau”, làm thuê cuốc mướn miễn sao có bát cơm để ăn. Về sau mê mải với thương trường, bị cuộc đời quăng quật không biết bao lần, bản thân đã trải qua cái nghèo, cái đói nhưng bà Minh cho rằng, không có gì là bất hạnh.
Bà cũng thừa nhận, những “năm tháng không thể nào quên” đó, bà không biết số phận cuộc đời sẽ đi tới đâu. Chỉ biết cứ luôn cố gắng mỗi ngày. May là ông trời thương, cho bà sức khoẻ.
Không có thước đo nào có thể đo được cuộc đời bà. Đến giờ nói hài lòng thì chưa hẳn, bà chỉ mong sao có nhiều sức khoẻ để làm được nhiều việc hơn cho công nhân của mình. “Tôi yêu công nhân của tôi lắm. Họ là tài sản vô giá của tôi”, bà tâm sự.
Có lẽ vì tình yêu thương đó mà hầu như bà không bỏ ai, nhất là trong dịch bệnh. Bà làm ăn được 10 đồng, bà sẽ chia cho công nhân 5 đồng, mang về nhà 5 đồng. Trong 4 tháng dịch vừa qua, bà bỏ ra nhiều tỷ đồng đi từng nơi công nhân ở để tiếp gạo, thịt cá, rau lo cho tiêm đủ 2 mũi vaccine. Vợ công nhân đi sinh, điều xe chở đi. Trong mùa dịch miễn phí tiền bệnh viện cho công nhân. Bà xây 2 khu nhà trọ, giải quyết được 50% chỗ ở cho công nhân ở miễn phí không lấy đồng nào.
Trong một chiều tại công ty Minh Khoa, tôi được chứng kiến hình ảnh doanh nhân Khổng Thị Minh cùng các lãnh đạo đứng phát từng con gà thịt cho công nhân nấu ăn tối, lấy sức tăng ca. Tối, tôi tận mắt xem người đàn bà không tuổi đánh bóng chuyền, cầu lông với công nhân ngay tại khu thể thao của Công ty, tôi càng hiểu cái tên mà nhân viên ở đây thường gọi “đại gia đình Minh Khoa”.
Trong mắt mọi người, Khổng Thị Minh không chỉ là bà chủ mà còn là “bà tiên”.
Bà thích làm thiện nguyện để trả ơn cuộc đời. Bà không coi đó là từ thiện. Với bà đó là sự chia sẻ. Bà giúp nhiều người, nhiều nơi, nhưng với bà “phải lo cho công nhân no đủ trước thì mới lo cho người ngoài”.
Bà coi công nhân là tài sản quý. Lo cho họ có cuộc sống tốt cũng chính là góp một phần nhỏ nhoi cho sự phát triển chung của xã hội. Làm được gì hữu ích cho mọi người, bà cũng sẵn lòng. Bởi với bà: “Chết rồi có mang theo được gì đâu”.
“U ơi”, “cô ơi”, “sếp ơi”, “chị ơi”…
Bà Khổng Thị Minh nói, mỗi lần nghe khách gọi bằng “u ơi”, “má ơi”, “sếp ơi”… là bà như… tan chảy. Thành công của bà là nhờ khách hàng thương. Chúng tôi đã ghi lại cảm xúc của 2 đại lý.
Chị Phạm Thị Kim Lan (nhà phân phối Hoàng Lan, quận 6, TP. HCM – đối tác gần 30 năm): Làm việc với cô Minh và Minh Khoa cảm thấy rất thoải mái và đầy tình cảm. Hai bên cùng nhiệt huyết, tương trợ nhau. Tôi với Minh thân hơn chị em ruột. Gọi là “sếp” vì cái gì cô Minh cũng đạt được tới đỉnh, nghĩ cái gì phải làm bằng được, có nhiều sáng kiến rất hay.
Tôi dù không biết ca, biết hát nhưng khi vô “hội Minh Khoa” rồi gì cũng biết, chơi tới bến.
Sản phẩm của Minh Khoa không đủ hàng để bán trên thị trường. Hàng Kim Cương chiếm đến 2/3 mặt hàng tôi bán ra, dù tôi có bán nhiều thương hiệu ngoại khác.
Chị Phan Thị Ánh Nguyệt (đại lý Nguyệt Hậu, quận 5, TP. HCM): Làm ăn với u từ xưa tới nay, dù là khách hàng nhưng được u xem như con cháu trong nhà.
Lúc trước khi mình chưa bán nồi Kim Cương, có khách hàng đến tìm mua nên mình tìm đến u. Bán với u là công nợ phải ổn thoả, nhưng nếu “con kẹt quá”, u nói “không sao đâu, miễn khi có tiền chuyển cho u là được”.
Nhân ngày 20/10, tôi muốn tặng cả tấm lòng cho u. Đó là điều đáng quý nhất.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!