“Xa quê đâu phải là chối bỏ mà là để ngày về trở nên tốt đẹp hơn”. Đó là mong muốn của tôi, của bạn và của những người xa quê.
Nơi tôi sống, giữa Sài Gòn hoa lệ. Nhưng cũng có một nơi tôi luôn nhung nhớ, mong mỏi ngày về, đó là quê hương.
“Đêm tha hương ai vọng đưa”, nơi tôi sống giữa Sài Gòn này, đọc chia sẻ cũng của một người con xa, tôi lại nhớ về Nơi tôi sống của ngày ấu thơ.
Cái thoang thoảng của mùi cháo nấm thôi mà chao ôi biết bao là nhớ. Đâu phải ồn ào phố thị, đâu phải đèn sáng muôn màu, đâu phải xe cộ bon chen, nơi tôi sống là một miền quê, để mỗi đêm tôi trải lòng về, thổn thức.
Xin trích đăng stt của Mai Hương, như chạm vào lòng tôi nỗi niềm khắc khoải ở về, lúc này:
Đêm! Nhớ nhà, thèm nồi cháo nấm rơm ở quê quá!
May mắn sinh ra ở mảnh đất cao nguyên giàu có, trù phú và màu mỡ! Cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay!
Ngày đó, khi bố đi lao động ở nước ngoài về, mình được cấp cho hai con bò để đi chăn! Từ đứa ăn cơm cũng mặc cả với mẹ, ăn hết chén mẹ phải cho 1000 mua kẹo dừa, mình trở thành trẻ chăn bò chính hiệu, nhập đủ các team!
Thích nhất mùa về, được thả bò ngoài đồng mà không phải chăn! Được nghịch rơm thoải mái, bắt ốc bắt cua xong nướng ăn luôn! Rồi đi nhặt trứng vịt lạc, bắt gà nước, bắt cá chạch…
Nhớ những buổi trưa cùng bố mẹ xây hai cây rơm to đùng để dành cho bò ăn! Rồi đi hốt rơm về phủ đầy gốc cà phê, những chỗ rơm đó gặp mưa sẽ cho lên cây nấm mập mạp! Vặt vào rồi làm sạch, xào lên cho vào nồi cháo, thơm lừng!
Xa quê hơn 10 năm, lâu lâu thèm những ngày xưa da diết! Nhớ món cá rô đồng kho lá nghệ, món ốc bươu xào củ chuối, món cháo lươn bố nấu… nhất là nồi cháo nấm rơm!
Những gì đã trải qua của những ngày tấm bé, mãi mãi là hành trang đẹp đẽ trong ký ức của mỗi con người!
Những ngày xưa đó, dù là những trận đòn roi của bố mẹ, những lần đứng canh cho đồng bọn vặt trộm xoài, những lần giận dỗi bạn bè hay điểm thấp sợ bố mẹ la nên bỏ nhà đi! Giờ đây nhìn lại, tất cả đều đẹp đẽ và trong vắt!
“Ra đi cánh gió phương trời lạ
Vẫn nhớ non sông một mái nhà”




Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!