Hai ngày qua, mạng xã hội đã bị bôi đủ điều về Bách hóa xanh (BHX). Những cái bill mua hàng tại BHX từ ngày 9/7 – 16/7 được tung lên. Đây là giai đoạn cao điểm mua hàng hóa của người dân TP.HCM và nhiều tỉnh lân cận. Khâu vận chuyển khó khăn, đổi tài xế, đổi xe, sang hàng, yêu cầu xét nghiệm Covid-19… đã khiến doanh nghiệp “oằn mình” gánh chịu và chi phí này đương nhiên cũng có sự trợ giúp của khách hàng nhờ giá bán.
Giá bán đã tăng lên, đó là điều phải làm. Không chỉ Bách hóa xanh, nhiều siêu thị khác trong giai đoạn này đều phải tăng giá bán do việc cung ứng, phân phối bị ảnh hưởng. Và giá bán cũng “hạ nhiệt” khi hàng hóa được lưu thông suôn sẻ, gánh nặng chi phí được giảm tải.
Chiều nay, mình dạo qua các siêu thị BHX để xem giá bán, giá cả hàng hóa đều không có nhiều khác biệt so với những siêu thị khác. Cà chua BHX cao hơn nơi khác 3.000 đồng/kg thì xà lách lại rẻ hơn nơi khác 4.000 đồng/kg. Dưa leo đắt hơn nơi khác 3.000 đồng/kg thì giá đỗ lại rẻ hơn nơi khác 2.000 đồng/kg.
Điều này cho thấy, BHX không có giá tăng đột biến so với những gì người ta đồn thổi.
Tranh thủ “đổ dầu vào lửa”, một số người đã đào bới lại công văn thương lượng giảm giá thuê mặt bằng của BHX. Nó cũng giống như việc đăng chiếc xe đẩy chở đầy trứng gà trong thời điểm khan hiếm hàng hóa hay đăng cái bắp cải nhập khẩu 250.000 đồng/kg trong khi giá cả “leo thang”. Và việc còn lại của mạng xã hội là ùa vào “chửi”. Và công nhận là họ chửi rất khỏe. Ai đứng ngoài luồng, đi trái lại đám đông sẽ lãnh đủ hậu quả.
Chiều nay, mình có trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, anh Cục trưởng chia sẻ, kiểm tra hơn 232 siêu thị BHX và BHX không có bán giá quá cao so với siêu thị khác. Thông tin được đăng tải và dân mạng vẫn chửi. Họ hoài nghi, BHX đã can thiệp vào kết quả này.
Và nếu đó là một cái kết luận “trời giáng” vào BHX, họ sẽ hò reo là cơ quan chức năng sáng suốt, anh minh.
Quay trở lại câu chuyện của những khách hàng BHX thực thụ, họ cho rằng, nhân viên thường xuyên tính tiền nhầm lẫn cho khách. Đúng, đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra tại BHX và nhiều người đã gặp phải. BHX phải khắc phục gấp tình trạng này nếu ko muốn khách hàng “quay lưng”.
Một nhân viên BHX nói, nhân viên mới chưa thạo việc nên khách mua quả táo A 50.000 đồng thì bấm nhầm mã hàng của quả táo B 70.000 đồng vì nhìn chưa quen sản phẩm. Hay khuyến mãi chai dầu gội 100.000 đồng còn 49.000 đồng nhưng hết khuyến mãi lại chưa kịp thay tem về giá cũ, khách lại la lên là “sao giá 49.000 mà bán cho tao 100.000 đồng”. Đây đúng là những tồn tại không chỉ ở BHX mà một số siêu thị khác cũng thường gặp phải. Bản thân mình cũng đã từng đến một siêu thị để lấy lại tiền vì nhân viên bấm nhầm giá.
BHX đang phải hứng trọn cơn “mưa đá” giữa những ngày khó khăn.
Với mình, BHX có chất lượng hàng hóa nhu yếu phẩm ở mức trung bình, tương đương ở chợ. BHX chỉ giải quyết được vấn đề mua tiện lợi, thanh toán nhanh hơn siêu thị khác. Mã hàng BHX phong phú hơn một cửa hàng tiện lợi thông thường nhưng thua xa một siêu thị thực thụ.
Có lẽ, họ đã chọn phân khúc “lai căng” này. Mình cũng không phải là người có mối quan hệ quá đặc biệt với BHX, chỉ muốn chia sẻ vài điều từ việc đi thực tế, trải nghiệm, cảm nhận và chắt lọc thông tin bản thân thôi. Mình mong, việc “ném đá” cũng nên dừng lại, hãy để BHX tập trung phục vụ cộng đồng.
BHX cũng nên thay đổi trong khâu đào tạo, hướng dẫn nhân viên, hạn chế sai sót, nhầm lẫn ở khâu tính tiền trong thời gian qua để hoàn thiện hệ thống trong thời gian tới.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!