Tôi muốn viện dẫn pháp lý:
Trách nhiệm hành chính
Hành vi để lộ thông tin khách hàng, nhân viên ngân hàng sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 46 Nghị định 98/2020 quy định về bảo vệ người tiêu dùng:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng”.
Trách nhiệm hình sự
Theo luật hình sự thì người có hành vi để lộ thông tin khách hàng nhằm thu lợi bất chính bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 291 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đỏi bổ sung 2017) về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng:
“1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
…”
Như vậy, nếu để lộ thông tin khách hàng với số lượng tài khoản từ 20 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo tội danh trên với các mức hình phạt khác nhau tùy theo mức độ, mức phạt cao nhất là 7 năm tù giam, phạt tiền 500.000.000 đồng.
Bảo mật thông tin khách hàng là nguyên tắc cơ bản của mỗi ngân hàng, bởi một khi những thông tin này bị lộ ra thì người dùng có nhiều khả năng bị chiếm đoạt, lừa đảo tài khoản…
Quy định bảo mật thông tin khách hàng được quy định tại điều 14 Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi bổ sung 2017) và Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin khách hàng (Điều 8), hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (Điều 9), đồng thời quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của các cơ quan Nhà nước, tổ chức khác, cá nhân (Điều 15) như sau:
“1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.
Tuy nhiên khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan nhà nước: Tòa án, thi hành án, thanh tra, cơ quan điều tra, Thanh tra, Thuế… thì ngân hàng có nghĩa vụ cung cấp các thông tin mà các cơ quan này yêu cầu. Khi cung cấp thông tin theo quy định trên thì hành vi đó không được coi là để lộ thông tin khách hàng và đây là cung cấp theo yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản theo quy định của Luật tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Luật thuế, Luật thi hành án….
Như vậy, bảo vệ bí mật thông tin khách hàng là trách nhiệm của ngân hàng. Họ không được cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật. Nếu nhân viên vi phạm thì Ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm do nhân viên mình gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự pháp nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường do nhân viên mình gây ra.
Còn về hình sự thì nếu nhân viên ngân hàng vi phạm có dấu hiệu hình sự mà ngân hàng không biết thì phải chịu trách nhiệm do hành vi mình gây ra. Nếu xác minh điều tra có bằng chứng, chứng cứ nhân viên có thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật trên.
Bài viết thể hiện góc nhìn của luật sư Trần Minh Hùng
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!