Không khó để đọc thấy những tin tức nhân viên ngân hàng trực tiếp hay tiếp tay để lừa đảo khách hàng và cả ngân hàng với số tiền từ vài tỷ lên đến hàng trăm tỷ. Tháng 1/2021, Viện KSBD Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Hà Thành cùng đồng bọn lừa 26 vụ lấy hơn 400 tỷ đồng từ 3 ngân hàng.
6 ngày trước, Cơ quan CSĐT Công an Gia Lai vừa thi hành lệnh bắt bị can, lệnh khám xét chỗ ở đối với Chu Nữ Diệu Huyền (nguyên cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với số tiền hơn 55,9 tỷ đồng. Còn hàng chục vụ tương tự như thế cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện trên truyền thông với mật độ ngày càng dày, thủ đoạn càng tinh vi và số tiền chiếm đoạt càng nhiều hơn.
Họ sẽ bị pháp luật trừng trị, số tiền mất mát sẽ được thu hồi dù chưa biết sẽ đủ hay không nhưng danh tiếng, uy tín bị sứt mẻ và lỗ hổng quản lý thì không thể ngày một ngày hai lấp đầy. Sau mỗi vụ án đình đám như thế, lại có kiểm điểm, lại có siết lại quy trình cùng những kỷ luật nghiêm khắc. Nhưng trớ trêu thay, vụ sau có khi lại lớn hơn vụ trước.
Không khó để thấy kết thúc một vụ đình đám nào đấy thì phần lớn trách nhiệm thuộc về cá nhân, còn lãnh đạo ngân hàng cùng quy trình chưa chặt chẽ của họ luôn tự “ xứ lý nội bộ”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng khoảng hơn chục năm về trước, số vụ việc nhân viên ngân hàng vi phạm luật pháp trực tiếp hoặc gián tiếp như gian dối, tham ô, gian lận là có nhưng không nhiều như mấy năm gần đây.
Ông Đức nói “Nhiều vụ nhân viên ngân hàng lừa đảo trắng trợn nhưng ngân hàng luôn chối bỏ với lý giải” do các ông hùa với nhau lừa ngân hàng. Đi cùng đó, việc quản trị hệ thống, quản trị đạo đức cán bộ, nhân viên cũng bị buông lỏng. “Bây giờ mà cứ tình trạng đưa đẩy một hồi, đá qua đá về, 10 vụ thì 9 vụ ngân hàng không chịu trách nhiệm thì đương nhiên còn nhiều vụ nữa”.
Do nhu cầu nhân sự cao, tuyển dụng ồ ạt và điều kiện không còn khắt khe như trước nên việc tuyển nhân viên dễ dãi hơn từ đầu vào. Bên cạnh đó thì với đặc thù công việc hàng ngày tiếp xúc với dòng tiền khổng lồ, cám dỗ lớn ngay trước mặt và chỉ cần sơ hở thì không khó để nảy lòng tham nếu như không có cơ chế giám sát đủ mạnh. Đại đa số các vụ lừa đảo đều bắt nguồn từ sơ hở này, nhất là khi nhân viên phạm tội có quyền hay nắm được quy luật dòng tiền ra vào ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, cơ quan này đang tổng hợp tất cả các ý kiến của các hội viên để xây dựng “khung” chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng nhằm áp dụng cho toàn hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam. Hiện tại, Hiệp hội đã tập hợp được nhiều phản hồi tích cực và dự kiến sẽ sớm ban hành “sổ tay” về vấn đề này.
Nhưng chuẩn mực hay quy tắc nào thì trước hết lãnh đạo các NH cũng phải nghiêm minh với chính họ và không vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua an toàn của hệ thống thì các vụ lừa đảo mới có thể giảm thiểu.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!