Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2019, có 9.494 doanh nghiệp báo lãi, chiếm tỉ lệ 45% số doanh nghiệp có báo cáo. Còn lại 55% doanh nghiệp báo lỗ, tương đương con số 12.455 doanh nghiệp lỗ. Đáng chú ý, doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên!

Nên xem:
Một ví dụ điển hình đang được báo chí nhắc đến nhiều đã được Bộ Tài chính “điểm danh” trong báo cáo “Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina tổng doanh thu vẫn tăng nhưng nộp ngân sách nhà nước lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống còn 92,6 tỷ đồng. Đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế,…) dành cho những doanh nghiệp lớn này”.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi, thông thường, một doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp phải tính chuyện đóng cửa, song rất vô lý là có những doanh nghiệp 15-20 năm vẫn báo lỗ và không ngừng mở rộng sản xuất. Bởi thế, ngành Thuế cần xem xét khoản lỗ này của doanh nghiệp FDI là lỗ thực hay lỗ chuyển giá?

Câu chuyện lời thật lỗ giả của một vài doanh nghiệp FDI không phải đến giờ mới đáng báo động mà có trường hợp đã âm ỉ, bức xúc hàng chục năm nay. Mặc cho họ chiếm lĩnh thị trường, quảng cáo rầm rộ, lượng hàng tiêu thụ khổng lồ, liên tục mở rộng thị trường… nhưng liên tục báo lỗ gần chục năm!
Một chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp dù mạnh cỡ nào thì lỗ hàng nghìn tỷ như thế 3-5 năm thôi đã tính chuyện đóng cửa chứ không thể tồn tại và phát triển hoành tráng như thế.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đưa ví dụ về những đôi giày khai giá ở Việt Nam chỉ có 15-17 USD nhưng sang đến Mỹ giá đã lên tới 70 USD! Thực tế trên thị trường, dù mùa hạ giá cũng chẳng đôi nào dưới 50 USD nhưng vì giá 15-17 USD được chấp nhận nên số lỗ họ báo cũng được ghi nhận!

TS Lê Đăng Doanh đề nghị “Cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính cần tìm cách xác minh rõ, nghiên cứu một vài trường hợp điển hình để đưa ra ánh sáng việc chuyển giá, lãi thật, lỗ giả. Việt Nam cần thu hút FDI nhưng không phải thu hút bằng mọi giá như ưu đãi, nhắm mắt trước sai sót của một vài doanh nghiệp FDI”.
Bên cạnh đó thì những ưu đãi quá nhiều cho một số doanh nghiệp FDI lại vô tình tạo ra bất bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước khi doanh nghiệp nội nộp đủ các khoản thuế phí, đóng góp lớn hơn nhưng không nhận được những lợi thế như nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ để “né” nghĩa vụ với ngân sách. Hơi muộn nhưng đã đến lúc “lập lại trật tự” và thể hiện sự công bằng trong ưu đãi đầu tư, luật pháp nghiêm minh chứ không thể để mãi “cánh cửa hẹp” cho những doanh nghiệp lợi dụng lách qua trục lợi cho riêng họ.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!