Năm 10 tuổi, ba má rót vào tai chị giấc mộng đổi đời. Con đường duy nhất là đại học. Con đường thênh thang nhất là Sài Gòn. Cũng như bao lớp thanh niên hăm hở từ làng quê nghèo khó của Quảng Nam, chị vào TP.HCM năm 18 tuổi. Lạ lẫm và háo hức để bắt đầu dệt nên một giấc mộng vàng.
Nên xem:
10 năm nơi phố thị của Minh Nga là thời gian quần quật học, quần quật làm việc. Để qua bữa, chị đi xin phụ quán cơm. Cuối tháng không lương, mỗi ngày được trả 1 hộp cơm không đủ no. Chị đi xin chạy bàn quán lẩu cũng không lương, cuối ngày được cho một tô bún chan xì dầu lấp bụng. Chị đi may dép, mỗi đôi được 2 ngàn mà kim đâm chảy máu 10 ngón tay ngoan. Chị đi làm gia sư, phát tờ rơi, bán áo quần… đủ nghề để kiếm sống. Năm 1 chị ăn mỳ tôm với rau muống. Năm 2 thấy ngán quá chị đổi lại ăn rau muống với mỳ tôm. Qua năm 3 lại quay về mỳ tôm và rau muống. Riết chị được bầu làm chủ tịch hội mỳ 2 con tôm luôn.
Rời giảng đường, Minh Nga có 1 công việc rất tốt ở 1 tờ báo lớn của Sài Gòn. Chị như một chị nông dân cày đến nát nhừ mảnh đất hoa lệ. Một mình chạy xe hỏng phanh từ Quận 1 về Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ… chị chơi hết ráo. Sếp giao 1 việc chị làm tới 2, 3 việc. Việc sếp không giao chị cũng tài lanh làm. Làm cơ quan nào chị cũng được các sếp thương vì chịu khó. Suốt 10 năm, mặt trời chưa kịp thò mặt ra thì chị đã thức dậy. Khi mặt trời đi ngủ chị vẫn chưa về. Dù trời nắng hay trời mưa, dù trăng tròn hay trăng khuyết, dù mùa xuân hay mùa hạ. Chân lý của chị không hề thay đổi. Tuổi trẻ để học, làm, kiếm cơ hội và tìm mối quan hệ. Bao nhiêu tiền kiếm được chị gửi về Đà Nẵng nuôi em gái ăn học và trả nợ hết.
Bạn bè đồng nghiệp tự hào về Minh Nga. Ba má cũng tự hào vì chị đã đổi đời rồi. Tiền tài danh vọng sẽ mau chóng tới. Rồi chị mãi mãi sẽ ở Sài thành, có nhà cao cửa rộng, có chồng, sinh con đàn cháu đống. Sống ở đấy tới già, tới chết…!
Nhưng chị không nghĩ vậy…
Năm 2016, đúng 10 năm bôn ba Sài Gòn, chị xách vali để về lại quê. Bởi con đường này, cánh đồng này, quê hương này, bầu trời này mãi mãi là 1 phần không thể thiếu của cuộc đời chị. Chị biến mất khỏi làng báo. Thản nhiên như không. Người xung quanh chị bắt đầu đồn thổi. Vì mỗi ngày chị váy đầm rực rỡ, má phấn môi son đi tới những sự kiện họp báo, ra mắt phim, phỏng vấn các nghệ sĩ. Kiểu sống một đời sang chảnh. Nhưng tối lại chị co ro trong căn phòng trọ như kiếp chim lồng, cá chậu. Chị cô đơn và lạc lõng. Chị không tìm ra sứ mệnh cuộc đời mình là gì. Khi nghe ba má gọi điện bảo: “Quê mình nay chỉ còn người già và trẻ con, thanh niên bỏ xứ đi hết. Nhà máy xí nghiệp đỏ mắt tìm không ra. Quê đã nghèo lại còn nghèo hơn. Con ơi ở yên đó, xin đừng về!”.
Lúc đó chị nói chị muốn về quê để đổi đời. Ba má xỉu lên xỉu xuống, vác dao kề cổ kiểu “con về là má chết”. Người ngoài kêu chị khùng. “Mày tưởng giờ về quê kiếm miếng đất làm trang trại rẻ lắm à? Chi phí xây xưởng, sản xuất mấy tỷ mày có không?. Sáng 4 giờ dậy xúc phân, trưa cày ruộng, chiều đào nghệ, tối sàn gạo, mày chịu được không? Đêm nằm ngủ vừa ngửi mùi phân bò vừa nghe tiếng ếch kêu, buồn lắm mày à”. Rồi: “Dòng tộc em cả mấy đời đời nghèo khó nên mới cho em vào thành thị học hành, phát triển tương lai. Em về là mang tội bất hiếu. Thôi đừng mơ mộng đổi đời nữa. Quê đang yên bình, em ơi đừng về”.
Nhưng chị bảo chị muốn thiết kế lại cuộc đời mình, trên chính quê hương mình. Hành trang là 2 cuốn sách của “Tony Buổi Sáng”. Ngày chị về quê, cả khu Thị Nghè, Bình Thạnh ngập thành sông. Bao nhiêu người khóc thương nhớ, luyến tiếc. Ngày chị về quê, cũng con đường này, 2 bên ruộng lúa bạc màu, nắng gió phủ mái đầu xanh. Lòng tôi dâng lên những đợt sóng cuộn trào, nước mắt cứ rịn ra…
5 năm qua, chị bỏ mặc những tiếng cười nhạo của thiên hạ, chị chọn cho mình một lẽ sống khác. Chị muốn đổi đời cho mình và những người dân quê chị. Chị lập công ty, chọn thu mua, sản xuất và bán nông sản sạch của quê, chủ yếu từ người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ hạt gạo lứt rẫy, từ củ gừng, củ nghệ, hạt đậu đen xanh lòng… ở vùng cao. Chị thương mại hóa chúng thành sản phẩm cao cấp như Trà gạo lứt rẫy Bh.nong, Trà gừng núi Bh.nong, Tinh nghệ núi Bh.nong, Mật ong rừng Bh.nong… Chị đăng ký hiến máu, hiến tạng, làm từ thiện, học cách cho đi, mỉm cười và tha thứ.
Nơi chị ở là một huyện miền núi khá xa và ít ai biết khi nhắc tới: Hiệp Đức – Quảng Nam. Xứ sở của nắng, của gió, của mưa, của lũ lụt. Nơi có nhiều người dân nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở xung quanh. Và vì thế, không ai làm giàu trên xứ khỉ ho cò gáy này cả. Chị về làng nhưng về để lao ra biển lớn. Mang cả niềm tự hào đất Quảng Nam, tuổi trẻ Quảng Nam. Ngày xưa tôi nghĩ tới công ty, nhà máy, farm… là một ngọn núi nào đó cao vời vợi. Bây giờ chị nghĩ đó là một lựa chọn mà chị đã tới rất gần!
“Cảm ơn bạn đã ủng hộ tôi; ủng hộ người dân miền núi, đồng bào vùng sâu vùng xa; ủng hộ quê hương tôi”, Minh Nga (cô gái rừng Bh.nong), CEO – Nông sản – Đặc sản rừng Quảng Nam chia sẻ.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!