Cho đến nay, số lỗ sau 9 tháng đầu năm 2020 do chính Vietnam Airlines báo cáo đã hơn 10.000 tỷ! Mới đây, chính Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang không hề giấu diếm “Với tình hình như vậy dự kiến sang năm 2021 mỗi ngày Vietnam Airlines sẽ lỗ từ 55-60 tỉ đồng. Theo đó, mức lỗ của năm 2021 vẫn sẽ ngang bằng với mức lỗ năm 2020”!
Nên xem:
Người ta đang tự hỏi cũng vô cùng khó khăn vì đại dịch, khách ít đi, nước ngoài ít đến và quy mô lớn nên Vietnam Airlines lỗ nhiều nhưng tại sao với thị phần lớn hơn, Vietjet Air chỉ lỗ chưa đến 1000 tỷ cùng thời gian?! Còn Bamboo Airways, dù quy mô nhỏ, mới ra đời thì tính theo tỷ lệ thì cũng không thua lỗ nhiều như thế. Câu trả lời đến giờ vẫn chưa có dù họ cũng nại đủ lý do ABCD nào đó.

Nhìn vào thực trạng mà Vietnam Airlines buộc phải kêu cứu, dư luận đang nghĩ về một người khổng lồ “chân đất sét”. Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines cho biết thêm về nội lực thật của Vietnam Airlines “Sẽ đến lúc Vietnam Airlines muốn vay thêm cũng không được, vì có hạn mức nhất định. Ngoài những khoản nợ được giãn, có những khoản nợ doanh nghiệp buộc phải đơn phương chưa trả trong thời điểm này, chấp nhận rủi ro pháp lý. Chừng nào chưa có tín hiệu, giải pháp căn cơ thì Vietnam Airlines buộc phải làm như vậy, chứ không để số dư tài khoản doanh nghiệp về 0”!
Nghị quyết của Quốc hội khi thông qua gói giải cứu này ghi rõ “Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch COVID-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt”. Còn thực tế Vietnam Airlines có thực hiện hiệu quả và Nhà nước sẽ “lấy lại” được cả vốn lẫn lời hay không thì ít nhất phải vài năm nữa mới rõ.
Tuy nhiên điều mà nhiều người thắc mắc là Việt Nam có ba hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air. Họ đều khó khăn, cùng thua lỗ và đại dịch vẫn tác động nặng nề, ảnh hưởng xấu nhưng Vietnam Airlines kêu cứu được còn hai hãng ấy bấu víu vào đâu?

Vietnam Airlines lâu đời, vốn được hưởng không ít ưu đãi từ cơ sở hạ tầng của ngành hàng không trước đây và hưởng những gì phần vốn Nhà nước trong ấy nhưng giờ đây chỉ chưa đầy năm dính Covid-19 đã lộ rõ những điểm yếu “chí mạng”! Lạ lùng thay, chuyện ấy lại ít thấy ở hai hãng tư nhân non trẻ?
Thẳng thắn với nhau thì đóng góp cho xã hội các hãng bay tư nhân đang làm tốt hơn bởi Nhà nước thu thuế hàng ngàn tỷ đồng mà chẳng phải bỏ ra xu nào hay lo rằng thất thoát, thua lỗ tiền của quốc gia.
Có công bằng hay không khi chỉ mình Vietnam Airlines được xem xét giải cứu dù trước đó họ đã có rất nhiều lợi thế của hãng hàng không quốc gia nhưng vẫn thua lỗ nặng nề? Rồi Vietnam Airlines thua lỗ lớn có phải chỉ do đại dịch hay nguyên nhân chủ qua, điều hành chưa tốt, quản trị chưa xứng và làm ăn chưa hiệu quả?
Trả lời được những câu hỏi đó thì mới có thể làm cho dư luận tâm phục khẩu phục về 12.000 tỷ ngân khố quốc gia vừa thông qua “giải cứu” cho Vietnam Airlines.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!