Theo một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với quy mô khoảng 8,8 triệu cơ sở, tạo việc làm cho hơn 12 triệu lao động, đóng góp gần 23% vào tổng GDP của cả nước, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế phi chính thức đang là thành phần cực kỳ quan trọng của kinh tế nước nhà!
Nên xem:
Tính chung cả khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể, đóng góp của khu vực này lên tới 27,7% trong GDP phi nông nghiệp và khoảng 22,6% trong tổng GDP ở Việt Nam.

Đóng góp lớn như thế nhưng đây có lẽ là khu vực kinh tế dễ bị tổn thương nhất! Không chỉ do những cách gọi hay nhìn nhận “lỡ mồm” như BTV của VTV mà còn những công việc, danh phận như thế không “sang” hay “cao quý” như những ngành nghề hay khu vực kinh tế khác.
Chủ một hộ kinh doanh cá thể hay bác bán hàng rong khó được đánh giá đúng như Giám đốc công ty hay Chủ doanh nghiệp nào đó dù nhiều khi doanh thu và thuế mà họ cao hơn hẳn.
Tôi đã từng biết chị em người bán bánh canh hè phố ở Quận 1 TP.HCM lời không dưới 4 triệu/ngày hay hộ kinh doanh bên vỉa hè bán cả ngàn gói xôi/ buổi. Những con số mà nhiều Giám đốc công ty nho nhỏ mơ ước.

Không khó để thấy ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… những gánh hàng rong với món ăn, đồ vặt nổi tiếng từ hàng chục năm nay và có khi “thương hiệu” còn sang tận Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Cũng rất dễ những “thương nhớ” để lại khi nhiều gánh hàng rong buộc phải đi vào dĩ vãng khi người bán quá già hoặc đi xa.
Đó là những minh chứng về kinh tế còn tác động xã hội thì không thể phủ nhận cực kì lớn.
Hàng trăm ngàn người đang phải tảo tần mưa nắng, rong ruổi trên khắp các nẻo đường để buôn thúng bán bưng ở các thành thị để nuôi họ, gia đình và đóng góp cho xã hội. Cũng nhờ gánh hàng rong mà con cái tiếp tục học hành. Không ít người con của họ đã thành đạt hoặc có học vấn tối thiểu để đi làm kiếm sống, bớt những gánh nặng cho xã hội và góp phần không nhỏ cho đất nước.

Nhưng qua đại dịch này, họ cũng là thành phần chịu nhiều “đau thương” hay thiệt hại.
Hàng loạt hàng rong đã tạm nghỉ do dịch bệnh hoặc buôn bán ế ẩm, hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể đã đóng cửa trả mặt bằng do không kham nổi chi phí khi khách ngại đến và buôn bán online nở rộ, tạm thay thế.
Dịch càng kéo dài họ càng thiệt thòi và trớ trêu thay lại là thành phần khó được hỗ trợ nhất do vướng các quy định, thủ tục. Giờ đây, khi mà dịch bệnh vẫn hoành hành, họ chỉ mong được nhìn nhận đúng chứ chưa nói đến hỗ trợ hay điều gì đó quá cao xa…
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!