10 thương hiệu dẫn đầu xét về giá trị bao gồm các tên tuổi quen thuộc như Viettel, Vinamilk, VNPT, Sabeco, Vinhomes, MobiFone, Masan Consumer, Vietcombank, FPT, Vincom Retail.
Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 được xếp theo từng ngành. Phần lớn có bề dày hoạt động trên 10 năm, thời gian đủ dài để các công ty khẳng định tên tuổi.
Xét theo lĩnh vực, hai nhóm ngành có nhiều đại diện nhất gồm nhóm hàng thực phẩm và đồ uống và nhóm dịch vụ tài chính đều có chín đại diện, chiếm tỉ trọng nhiều nhất xét theo số lượng, tiếp theo là bất động sản, công nghệ, nguyên liệu, bán lẻ.
Đứng đầu danh sách năm nay là Viettel, với giá trị thương hiệu hơn 2,9 tỉ đô la Mỹ, tiếp theo là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỉ đô la Mỹ. Đây là hai thương hiệu có giá trị vượt trội so với phần còn lại của danh sách. 10 thương hiệu đứng đầu xét theo giá trị chiếm 30% tổng giá trị của danh sách.
Thị trường chứng khoán suy giảm khiến hệ số P/E của một số ngành giảm, kéo theo giá trị thương hiệu giảm theo dù lợi nhuận tăng (tham khảo phương pháp tính toán).

Trong quá trình tính toán, Forbes Việt Nam cố gắng tập hợp dữ liệu của các công ty tư nhân và tập đoàn nhà nước lớn của Việt Nam. Chúng tôi không tính toán thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền, doanh nghiệp kinh doanh bán buôn, thương hiệu không tác động đến hành vi người dùng.
Tuy nhiên, phương pháp tính toán dựa trên số liệu, dù đã nỗ lực, Forbes Việt Nam chưa có đủ thông tin để xác định giá trị thương hiệu của một số doanh nghiệp nhà nước và tư nhân lớn khi doanh nghiệp không công khai số liệu.
Vì vậy, các công ty đại chúng (công bố công khai số liệu tài chính) chiếm một tỉ lệ lớn trong danh sách. Trong thực tế, chúng tôi tin rằng nếu công khai thông tin, danh sách được bổ sung nhiều tên tuổi đáng chú ý khác.

Phương pháp: Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes (US), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc tính toán dựa trên báo cáo tài chính của các công ty.
Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành.
Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phần) trung bình ngành trong khu vực.
Với công ty chưa niêm yết, chúng tôi áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu. Quá trình tính toán định lượng có sự hỗ trợ của công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt.
Forbes Việt Nam là ấn phẩm về kinh doanh của báo Văn hóa, xuất bản hằng tháng bằng tiếng Việt theo thỏa thuận nhượng quyền với Forbes Media LLC, dành cho giới kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp, chính thức ra mắt ngày 24/6/2013 tại Việt Nam.
Các danh sách xuất bản của Forbes Việt Nam gồm có: Danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam; Danh sách 30 Under 30; Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất; Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu…
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!