Ngay sau khi ca đầu tiên, BN 416 được chính thức khẳng định dương tính với Covid-19, bà Nguyễn Vân Anh ở Quận 2, TP.HCM gọi môi giới báo thôi đặt cọc một dự án căn hộ ở khu Đông vì “chị chờ xem tình hình sao đã”.
Đến khi Đà Nẵng rồi Quảng Ngãi có thêm những ca mới và đặc biệt là chiều qua, khi 11 ca mới được công bố và Đà Nẵng giãn cách xã hội thì hàng loạt giao dịch chuẩn bị chốt đã tạm ngừng.

Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều khách hàng nhất là khi chứng khoán đỏ sàn và vàng tăng cao chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, cho đến giờ này thì diễn biến của dịch bệnh vẫn chưa thể so với đợt dịch cách đây hơn 3 tháng và toàn quốc phải “giãn cách xã hội”, mọi giao dịch không riêng gì bất động sản gần như ngưng hẳn.
Ngay sau khi dịch ngừng, mọi hoạt động trở lại bình thường thì giao dịch khá nhiều nơi sôi động đáng ngạc nhiên. Giá bất động sản một số vị trí tốt không mất giá mà còn có dấu hiệu tăng khi nguồn cung chưa thêm mà nhu cầu vẫn còn.

Trong một báo cáo mới đây của JLL cho thấy bất chấp dịch bệnh, giá bán chung cư toàn quốc vẫn có xu hướng tăng, phần lớn các dự án đều ghi nhận mức giá tăng nhẹ từ 1-3%. Nhu cầu chủ yếu là mua để ở, trong đó phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu với 83% trên tổng số giao dịch!
Đáng chú ý là lượng căn hộ bán được trong quý 2 đạt con số 3.855 căn, gần tương đương cùng kỳ năm trước nhưng cao gấp đôi so với quý 1/2020. Phần lớn các giao dịch đã thực hiện từ trước đại dịch và được tiến hành ký hợp đồng mua bán trong quý này!

Còn Batdongsan.com.vn cho biết giá rao bán trung bình chung cư tại TP.HCM cao hơn Hà Nội từ 7 đến 14 triệu đồng/m2 tùy phân khúc. Chung cư cao cấp đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khách hàng ở cả Hà Nội và TP.HCM, tăng lần lượt 30% và 38% so với quý liền trước.
Ở mặt bằng chung, giá rao bán này ở cả 2 thị trường tiếp tục giữ ổn định. Riêng phân khúc bình dân, mức giá tăng nhẹ ở khoảng 1% so với quý liền trước.
Còn nhà riêng, nhà mặt phố, giá cho thuê giảm mạnh hơn ở TP.HCM so với Hà Nội. Quận 1, TP.HCM giảm giá thuê mạnh nhất (16%), trong khi mức giảm mạnh nhất ở Hà Nội là 7% tại quận Thanh Xuân.

Trong khi đó, giá bán các bất động sản phân khúc này tại Hà Nội, xu hướng tăng giá rao bán được ghi nhận ở hầu hết quận tiêu biểu như quận Cầu Giấy (3%), quận Hai Bà Trưng (2%), quận Hà Đông (2%), và quận Thanh Xuân (1%).
Trái lại, đối với thị trường TP.HCM, giá rao bán cũng tăng tại một số quận như quận Gò Vấp (2%), quận Bình Thạnh (2%) và giảm nhẹ tại các quận Tân Phú và Quận 1!

Như vậy, dịch bệnh có thể khiến giao dịch chậm lại và một vài dự án có thể “ngủ đông” nhưng ngay sau dịch, giá bán vẫn có tín hiệu tăng, thị trường vẫn sôi động và người được lợi nhiều nhất vẫn là những giao dịch khi giá tốt trong thời điểm dịch bệnh.
Cũng như các thị trường khác, bất động sản luôn là cơ hội cho những người “tham lam khi người khác sợ hãi” và chỉ ai chấp nhận xuống tiền khi thị trường đang khó khăn mới nhiều khả năng thu lợi lớn thời gian tới.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!