Những đợt mở bán mới, một vài dự án ra đời cùng hàng loạt chương trình quảng cáo, PR trong hai tháng qua mới chỉ làm nóng thị trường bất động sản sau kỳ “ngủ đông” quá dài chứ chưa thể khẳng định thị trường này sẽ hồi phục. Trong số các dự báo thì đánh giá của Savills Việt Nam “Thị trường bất động sản ở tất cả các phân khúc bất động sản sẽ thực sự phục hồi vào giai đoạn từ đầu năm 2021.
Còn thời điểm cuối năm 2020, ở một số phân khúc có những tín hiệu tích cực, do nguồn cung có thể khá hơn so với giai đoạn đầu năm” được nhiều người cho rằng khả thi hơn cả.
Tuy nhiên đó là trước khi Covid-19 quay lại Đà Nẵng, còn giờ đây chưa ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên có một điều không ai muốn nghĩ tới là cả chủ đầu tư lẫn khách hàng sẽ thận trọng hơn.

Khi chưa có vắc xin và Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sâu trên toàn thế giới thì nền kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng không tích cực bất cứ lúc nào. Dịch bệnh càng phức tại, tác động xấu càng nhiều và chúng ta càng thấm đòn.
Là một trong những “hàn thử biểu” của nền kinh tế thì bất động sản khó tránh khỏi “liên lụy” trong những ngày tới. Trong khi khách hàng thận trọng xuống tiền chờ xem diễn tiến dịch bệnh ra sao, dịch chỉ quanh quẩn Đà Nẵng hay xa hơn nữa thì chủ đầu tư đang đứng trước bài toán ra hàng để bán cho ai? Chưa kể dự án cũ còn không ít hàng tồn kho, bất động sản nghỉ dưỡng đang ứ đọng quá nhiều và dòng tiền ngày một khó khăn.

Nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu hơi “u ám” nhưng cũng cần cân nhắc “thị trường bất động sản sẽ khó dự đoán được khả năng phục hồi, bởi khả năng kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 vẫn chưa xuất hiện. Nguy cơ vỡ trận có thể xảy ra khi sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa thể dự đoán, khả năng cầm cự và phát triển của doanh nghiệp còn khốn khó”.
Nhưng bên cạnh đó cũng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang “Giới đầu tư vẫn tranh thủ tìm kiếm cơ hội nhà đất để ở hoặc đầu tư ở thời điểm này. Về phía chủ đầu tư, hiện 90% đang đưa ra chính sách tốt nhất để đồng hành lâu dài với nhà đầu tư, chấp nhận lợi nhuận thấp qua việc chia sẻ cơ hội và lợi nhuận, như giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất vay, chiết khấu, khuyến mại… đây cũng là cơ hội tốt cho người mua nắm bắt”.

Luôn phải suy nghĩ tích cực và hướng tới điều tốt đẹp hơn là điều mà ngành nào cũng mong mỏi nhưng thực tế nhiều khi phũ phàng hơn lý thuyết, nhìn rõ và nhận định đúng tình hình để tránh bớt thiệt hại nếu điều không tốt vẫn xảy ra, còn không xem đó như một bài học và “cơm chưa nấu, gạo vẫn còn đó”.
Cũng như nhiều thị trường khác, bất động sản cũng cần có độ trễ để sang tháng 8 mới thấy tác động của đợt dịch này. Nếu như Chính phủ làm tốt, mọi người nỗ lực, tự giác và ý thức bảo vệ cộng đồng cao thì thiệt hại chắc chắn không nhiều như lo ngại. Đó cũng là điều không chỉ thị trường bất động sản mong mỏi trong thời gian tới.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!