Trước khi có kiến nghị của Bộ Công an, nhà đầu tư và nhất là chủ dự án rất vui mừng khi Bộ TN&MT có ý định cho chuyển đổi Condotel thành nhà ở. Nếu điều này thành hiện thực, hàng chục ngàn căn Condotel đang tồn kho sẽ có khả năng được tiêu thụ tốt hơn, còn nhà đầu tư thì hy vọng Condotel sẽ có giá bán, thanh khoản khả thi hơn.
Tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng có nhiều ý kiến không đồng tình vì làm như thế sẽ lại “hợp thức hóa” cho chủ trương tiền hậu bất nhất. Điều mà dư luận lo ngại nhất là sẽ thành một tiền lệ để các chủ đầu tư lại xây dựng, mở bán ào ạt với hứa hẹn sẽ được cơ quan Nhà nước công nhận như nhà ở với các loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khác. Chẳng lẽ họ “cầm đèn chạy trước ô tô” rồi lại được gật đầu đồng ý rồi luật pháp phải chạy theo sao?

Chính Bộ Công an nhận định rằng nhiều địa phương không quản lý được hoặc buông lỏng dẫn tới nhiều trường hợp chủ đầu tư mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện, gây rủi ro cho người mua. Nếu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho từng căn hộ sẽ phát sinh việc thế chấp quyền sở hữu tài sản tại các ngân hàng khác nhau, dẫn đến một tài sản được đảm bảo nhiều lần tại nhiều ngân hàng do hầu hết các dự án condotel đã thế chấp ngân hàng trước đó. Ngoài ra, việc chuyển đổi thành nhà ở gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Ngoài ra thì Quy định quản lý tòa nhà hỗn hợp vừa căn hộ nhà ở, vừa condotel theo Bộ Công an là thiếu chặt chẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn. Điển hình là vụ tại dự án Our City (Hải Phòng), Bộ CA đã bắt giữ 395 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc quy mô lớn hay tại dự án Tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Oceanus Mường Thanh Viễn Triều (Nha Trang), hoạt động của cư dân và khách thuê diễn ra phức tạp, ảnh hưởng an ninh trật tự.
Những sai phạm, thiếu sót hay bất cập trên vẫn có thể giải quyết được nhưng với cách quản lý và kiểm soát như thời gian qua thì không ai chắc đến khi nào sẽ hoàn thiện. Vụ Cocobay Đà Nẵng, Bavico Nha Trang hay FLC Hạ Long đã và đang cho thấy nguy cơ bùng phát tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư luôn chực chờ bùng nổ.

Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có 82.902 condotel, 28.099 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, 15.663 căn shophouse, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang… Ngoài ra, Hà Nội và TP.HCM hiện có hơn 10.000 officetel.
Nếu được hợp thức hóa và có “sổ hồng” thì nguồn hàng trên sẽ khiến thị trường bất động sản sôi động và nhiều dự án sẽ bớt khó khăn. Nhưng “mở cửa” khi những tồn tại chưa xử lý xong, chưa giải quyết ổn thì đây sẽ là nguy cơ khiến thị trường thêm bất ổn và xã hội, nền kinh tế cũng như khách hàng sẽ gánh chịu phần lớn thiệt hại.
Có lẽ, một chủ trương dù tốt hay thông thoáng thế nào thì cũng nên xuất phát từ nền tảng vững chắc và vì cái lợi chung mới có thể khả thi, được ủng hộ.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!