Bộ Tài chính đưa ra dựa trên báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 vừa qua đã đạt 27.061 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng khối lượng phát hành 5 tháng đầu năm nay lên mức 91.616 tỷ, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục gia tăng huy động vốn thông qua kênh này, trong khi nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua. Cùng với đó, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.
Trong khi các Công ty chứng khoán và ngân hàng đã bị “tuýt còi” vì lách luật, quy định để bơm tiền cho doanh nghiệp bất động sản qua kênh trái phiếu thì họ lại tích cực mời chào và quảng bá cho nhà đầu tư cá nhân!

Bà Nguyễn T.Y nói với người viết “Lãi suất tiết kiệm chỉ còn 5%, mua nhà đất thì chưa biết thế nào, chơi chứng khoán tôi ngán rồi nên khi ngân hàng A. khuyên tôi mua trái phiếu của tập đoàn N. với lãi suất 10-12% đảm bảo chi trả đủ tôi đã bỏ gần 3 tỷ vào đây”.
Người tính toán và suy nghĩ như bà Y. khá nhiều vì với 3 tỷ hàng tháng thu về gần 30 triệu đồng mà không phải mất công tốn sức thì thời điểm này rất hấp dẫn.
Bà Y cho rằng doanh nghiệp bán trái phiếu cho bà có danh tiếng trên thị trường, đã và sắp bán hàng chục dự án nên rủi ro thấp, ngân hàng họ cũng kiểm tra rồi! Nhưng đó là khi doanh nghiệp làm ăn được, có tiền trả lãi còn ngược lại thì sao?
Trong mọi trường hợp, ngân hàng hay Công ty chứng khoán tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu hầu như không chịu trách nhiệm gì vì quyền quyết định là ở khách, họ chỉ tư vấn và không có ràng buộc pháp lý.
Còn doanh nghiệp bán trái phiếu dù đã cam kết lãi suất cố định nhưng nếu làm ăn thua lỗ hoặc phá sản thì thứ tự trả nợ của nhà đầu tư cá nhân thường xếp cuối cùng. Nếu trường hợp ra Tòa cũng vài ba năm may ra mới lấy lại phần nào.

Không như trái phiếu Nhà nước hoặc trái phiếu được Ngân hàng bảo lãnh, trái phiếu doanh nghiệp một khi họ đã làm ăn thua lỗ thì rất khó chuyển nhượng, mua bán để thu hồi vốn.
Bộ Tài chính cảnh báo không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn. Trường hợp có tranh chấp thì đó chỉ là quan hệ dân sự giữa người mua và doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính thì nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức phân phối cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ, thanh toán lãi, gốc…). Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ các rủi ro có thể gặp, nhà đầu tư (nhất là cá nhân) mới nên mua trái phiếu.

Nhưng cảnh báo chỉ là cảnh báo, trên thực tế nhà đầu tư cá nhân vẫn đổ xô mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm trong khi các kênh đầu tư khác chưa hấp dẫn.
Giờ đây chỉ còn cách có sự cố xảy ra thì doanh nghiệp và nhà đầu tư mới “tỉnh giấc”. Suy cho cùng cuộc chơi hay “canh bạc” nào cũng vậy, lợi nhuận nhiều rủi ro sẽ rất lớn, chấp nhận chơi thì nên sẵn sàng chịu đựng.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!