Một trong những nguyên nhân chính khiến TP.HCM đã chi hơn 1 tỷ USD chỉ từ 2016 đến 2020 để chống ngập nhưng hiệu quả không cao là cao ốc, chung cư được phép xây dựng tràn lan, xây trên cả những vùng đất yếu, trũng hay lẽ ra là nơi hứng nước, thoát nước cho cả TP.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những điểm ngập nặng nề và triền miên, gây bức xúc nhất ở TP.HCM là tuyến đường có nhiều chung cư trên 40 tầng nhiều nhất TP.
Cao ốc được xây ngay trên nền đất ngày càng lún sụt và trên cả những điểm thoát nước ra sông Sài Gòn. Cùng với hạ tầng chưa đáp ứng thì hàng trăm ngàn người đổ về đây sinh sống càng khiến khu này ngày càng ngập lụt hơn.

Thảo Điền hay Phú Mỹ Hưng, hai khu nhà giàu danh tiếng nhất TP.HCM cũng hai nơi tập trung phát triển căn hộ, cao ốc hàng đầu TP với trường ca ngập nước, kẹt xe chưa bao giờ dứt 20 năm qua.

Những hạ tầng hai nơi này có thêm mấy năm gần đây không kham nổi tốc độ phát triển quá nhanh, quá nhiều chung cư và dân số nên cứ mỗi cơn mưa Thảo Điền lại lênh láng hay dân cư Phú Mỹ Hưng lại bực tức sáng sáng, chiều chiều kẹt xe là lẽ đương nhiên.

Theo đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030” của TP.HCM thì các quận trung tâm TP sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng.
Đối với khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3, TP không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.

Đối với các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Riêng các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Đối với 5 huyện ngoại thành gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, sẽ ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính.

Nếu các cơ quan quản lý đưa ra đề xuất như Sở Xây dựng làm từ khoảng 10 năm trước, TP sẽ đỡ ngập lụt, bớt ket xe và phát triển hài hòa hơn. Cái gì đã cản trở những điều nên làm như thế? Lợi nhuận từ những cụm chung cư hàng ngàn căn đang được xem là “thủ phạm” đầu tiên.
Tuy nhiên dù muộn vẫn còn hơn không, nhất là khi tình hình đã quá cấp bách. Chủ trương này sẽ gặp không ít phản ứng từ những chủ đầu tư vẫn còn quỹ đất hay dự án đắc địa ở trung tâm TP nhưng đây là việc nên làm và cần được ủng hộ vì tương lai lâu dài của TP.HCM.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!